ĐBQH LÊ HỮU TRÍ: CẦN QUY ĐỊNH RÕ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

23/07/2023

Tham gia thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà cho rằng cần quy định rõ đối với các dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nên quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Hữu Trí cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 16 chương, 263 điều cơ bản đã cụ thể hóa được nhiều quan điểm, định hướng đã được xác định tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, theo đại biểu còn nhiều chế định ghi trong dự thảo luật cần rà soát, đánh giá, xem xét, điều chỉnh và bổ sung để bảo đảm tính khả thi của luật trong thực tiễn.

Quy định rõ đối với các dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh, quy định tại Điều 78, 79, đại biểu cho biết, Điều 78 của dự thảo luật quy định các tiêu chí để Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh được liệt kê gồm 10 loại dự án. Điều 79 các tiêu chí để nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được liệt kê gồm 3 nhóm lớn với 31 loại dự án.

Đại biểu Lê Hữu Trí tham gia thảo luận

Mặc dù dự thảo luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh, tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo luật không thể liệt kê hết các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ phát sinh trong tương lai. Vì vậy, dự thảo luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế có phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong luật.

Tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp quy định nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Đây là vấn đề cần quan tâm khi Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp đã gây bức xúc cho người sử dụng đất, phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.

Vì vậy, dự thảo luật cần quy định rõ đối với các dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng, an ninh, nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận. Ví dụ, như các dự án cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở thể dục, thể thao, cơ sở khoa học và công nghệ và các dự án năng lượng, dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, v.v được quy định tại khoản 2 Điều 79, kể cả việc xây dựng các cơ sở tôn giáo được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Đối với các dự án này vừa có mục tiêu là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư. Vậy, trong trường hợp này việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án có phù hợp không?

Theo đại biểu, đối với các loại dự án này cần phân định rõ trường hợp nào thì được Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào thì Nhà nước tự thỏa thuận, nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất, mặc dù giá đền bù bảo đảm tính hợp lý và công bằng với mặt bằng giá đền bù đối với diện tích đất trong cùng dự án và trong trường hợp này, Nhà nước cần tiến hành các biện pháp thu hồi diện tích đất còn lại mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được nhằm bảo đảm các dự án không bị tắc nghẽn, đồng thời cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.

Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất

Phân tích thêm, đại biểu cũng đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể của việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng như cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị, nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18.

Quy định như trong dự thảo luật đối với việc nhà nước thu hồi đất hoặc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án xây dựng các khu đô thị sẽ gây nhiều cách hiểu khác nhau khi thực hiện trong thực tiễn.

Đại biểu cũng đề nghị cần thiết bổ sung thiết chế đất sử dụng cho khu kinh tế vào dự thảo luật. Việc bỏ thiết chế đất sử dụng cho khu kinh tế sẽ gây khó khăn cho quá trình thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư vào khu kinh tế, cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế và sẽ không thu hút được các dự án đầu tư vào phát triển các khu kinh tế.

Minh Hùng