Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Một trong những nội dung được thảo luận các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm góp ý trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây cũng là nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân.
Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành được thực tế chứng minh là phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.
Nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được bố cục lại kết cấu để đảm bảo tính logic, khoa học, tránh trùng lặp. Theo đó nội dung Chương quy định về nội dung này gồm: quy định chung; bồi thường về đất; bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất; hỗ trợ; tái định cư.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Phát biểu ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đồng ý với việc thu hồi đất cần đảm bảo cuộc sống của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Cùng đó, cần đảm bảo hạ tầng, điều kiện sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới sau khi địa phương thu hồi đất để phục vụ xây dựng các dự án, mục đích khác.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đồng ý với các quy định về dự thảo hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, được vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, giao đất có mục đích sử dụng với cùng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền hoặc xem xét bồi thường đất khác nếu người dân đồng thuận khu tái định cư bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông đảm bảo kết nối với khu long cận.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, mỗi gia đình, cá nhân có hoàn cảnh riêng và có nhu cầu về đời sống và việc làm. Vì vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Tiền là vật ngang giá chung nhưng sử dụng không hợp lý sẽ không giải quyết được nhu cầu đa dạng của người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị các chính sách có thể quy ra tiền để người dân thấy mình được hưởng lợi như người khác, đảm bảo công bằng. Nhưng đối với chính sách đào tạo nghề cho người chưa có việc làm thì nên tạo điều kiện để người dân được học nghề phù hợp với khả năng của họ.
Sau khi thu hồi đất, ngoài việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông kết nối với các khu vực lân cận thì Nhà nước cần ưu tiên bố trí các tuyến phương tiện giao thông công cộng trong khu vực đến khu tái định cư để người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm trong sinh hoạt, công việc, học tập… từ nơi ở mới đến hạ tầng xã hội và khu vực lân cận.
Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Quan tâm đến việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bổ sung quy định chính sách hỗ trợ trường hợp hết tuổi lao động nhưng vẫn trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường. Thực tế trường hợp này khó tìm được việc làm mới, chuyển đổi nghề. Hầu hết họ không có chế độ chính sách sẽ khó khăn khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu Trần Đình Gia nêu rõ, một số người lao động túy đã hết tuổi lao động nhưng mà sản xuất nông nghiệp thì không có ngành nghề nào khác. Nếu chúng ta hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất mà không hỗ trợ cho đối tượng nay sẽ rất khó khăn.
Đại biểu Lê Đào An Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Cũng quan tâm tới quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất ở Điều 108 dự thảo Luật, đại biểu Lê Đào An Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều khoản về xem xét đến vấn đề giới trong xây dựng các chính sách chuyển đổi nghề.
Trước đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi là lao động nữ ngoài 40 tuổi mất việc và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm công việc mới. Việc thu hồi đất sản xuất dẫn đến chuyển đổi nghề cũng dẫn đến những trường hợp tương tự. Đồng thời, đề nghị bổ sung các chính sách về an sinh xã hội đối với các cá nhân có đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất mà không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 94, cụ thể là các cá nhân không còn trong độ tuổi lao động hoặc mất, suy giảm khả năng lao động.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do vậy, Nhà nước thu hồi đất thì có quyền áp dụng cơ chế bồi thường theo ý chí của Nhà nước, thể hiện cụ thể trong phương án phê duyệt về bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Tuy nhiên, đối với tài sản trên đất là nhà ở, công trình xây dựng, rừng cây thuộc sở hữu của người dân, khi Nhà nước thu hồi phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại, không thể theo phương thức áp đặt hành chính.