ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: ĐẢM BẢO TẠO ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT THEO ĐÚNG PHƯƠNG CHÂM “BẰNG HOẶC TỐT HƠN SO VỚI NƠI Ở CŨ”

14/06/2023

Tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, bổ sung nguyên tắc “Khu tái định cư phải được hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi ban hành quyết định thu hồi đất” để đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất theo đúng phương châm “bằng hoặc tốt hơn so với nơi ở cũ”…

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: CẦN CỤ THỂ HOÁ HƠN NỮA QUY ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ, BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 5 gồm: 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Đồng thời, tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.

Chia sẻ bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định công tác chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm; thu hút sự tham gia, đóng góp, cho ý kiến, thảo luận của đông đảo Nhân dân, các tổ chức, cá nhân, kiều bào ta ở nước ngoài,.... Điều đó, cho thấy tầm quan trọng đặc biệt và vị trí xương sống, trụ cột của Luật Đất đai đối với toàn bộ hoạt động của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước.

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đại biểu tỉnh Đồng Tháp kiến nghị một số nội dung cụ thể liên quan đến quy định về: Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất’; Về Khu tái định cư’; Công khai thông tin liên quan đến thu hồi đất, phương án đền bù, tái định cư; Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; Tập trung đất nông nghiệp và tích tụ đất nông nghiệp,…

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Thứ nhất, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (quy định tại Điều 90, dự án Luật): Đại biểu cơ bản nhất trí với những nguyên tắc được nêu tại Điều 90. Tuy nhiên, qua thực tế công tác bồi thương, hỗ trợ, tái định cư ở địa phương, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc “có sự đồng thuận” và “sớm ổn định cuộc sống của người bị thu hồi đất”; đồng thời đề nghị bổ sung nguyên tắc “hỗ trợ, động viên, tuyên dương các hộ gia đình, cá nhân gương mẫu chấp hành và chủ dộng bàn giao mặt bằng sớm hơn thời hạn; qua đó có tác dụng động viên, khuyến khích những cá nhân, hộ gia đình gương mẫu, góp phần đẩy nhanh tiến độ của công tác thu hồi đất, tái định cư đối với các dự án, nhất là các dự án đầu tư vì mục đích xây dựng các công trình công cộng, phục vụ nhân dân.

Về nguyên tắc “được bồi thường thiệt hại” và “xem xét hỗ trợ” quy định tại khoản 3, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn bởi khi các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất thì họ sẽ mất đi những khoản thu nhập thường xuyên mà lẽ ra họ vẫn được hưởng nếu không có việc thu hồi đất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của gia đình và cá nhân chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nội dung này cần được xem xét một cách thấu đáo hơn, đảm bảo quyền lợi của người dân, nhất là khi nguồn thu nhập thường xuyên hàng tháng của họ bị mất đi;

Thứ hai, về Khu tái định cư: Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc “Khu tái định cư phải được hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi ban hành quyết định thu hồi đất” để đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất theo đúng phương châm “bằng hoặc tốt hơn so với nơi ở cũ” cho người bị thu hồi đất khi chuyển đến khu tái định cư, và để người chuyển đến các khu tái định cư không phải mòn mỏi chờ đợi các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện.

Về lập và thực hiện dự án tái định cư, đề nghị bổ sung một số công trình hạ tầng xã hội hết sức cần thiết như: Khu công viên cây xanh; khu vui chơi cho thiếu nhi; đất nghĩa trang;… nhằm đảm bảo những người đến ở tại Khu tái định cư có cuộc sống ổn định, tốt đẹp, môi trường xanh, sạch, thân thiện và đầy đủ các dịch vụ cần thiết; nhất là trong Luật có quy định “Khu tái định cư có thể bố trí cho người có đất bị thu hồi của nhiều dự án”, như vậy có thể có những khu tái định cư có quy mô lớn, dân số đông.

Thứ ba, về quy định công khai thông tin liên quan đến thu hồi đất, phương án đền bù, tái định cư…: Đại biểu đề nghị bổ sung những quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo những người thuộc diện dễ bị tổn thương, yếu thế (người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người khó khan trong đi lại, người không có năng lực nhận thức, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng…) không thể đến trung tâm xã hoặc nơi công bố các thông tin trên để tiếp cận thông tin.

Thứ tư, về Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (Điều 179): Tại khoản 3: Đại biểu đồng tình với quy định về việc UBND cấp xã có thể cho các cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều 179.

Tuy nhiên, đề nghị sửa “Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 10 năm tùy theo mục đích sử dụng đất” theo hướng điều chỉnh quy định thời hạn cho thuê không vượt quá thời hạn giao đất nông nghiệp cùng loại đất cho hộ gia đình, cá nhân. Và quy định UBND cấp xã thu tiền sử dụng đất 5 năm/lần.

Thứ năm, về Tập trung đất nông nghiệp (Điều 192) và Tích tụ đất nông nghiệp (Điều 193): Đây là quy định mới so với Luật 2013; thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bày tỏ quan điểm đồng tình ủng hộ, tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung một số quy định về nghiêm cấm và ràng buộc, cụ thể:

. Một là, nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chính sách tập trung, tích tụ đất nông nghiệp làm phương hại đến quyền, lợi ích của những người sử dụng đất thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương (hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn, …); cũng như nghiêm cấm việc lợi dụng chính sách để gom đất, đầu cơ kiếm lời bất chính.

. Hai là, việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác thông thường (thủy lợi, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển, đi lại…) của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế./.

Lê Anh - Nghĩa Đức