ĐBQH DƯƠNG VĂN PHƯỚC: CẦN HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

13/06/2023

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng Quốc hội cần xem xét sớm ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp để quy định thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan địa phương trong xử lý các tình huống khi xảy ra đại dịch, nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước tình huống khẩn cấp.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát.

Báo cáo của Đoàn giám sát đã chuẩn bị rất công phu, khoa học, phản ánh tương đối toàn diện bức tranh toàn cảnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước. Qua đó phản ánh được sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Báo cáo cũng nêu đầy đủ, trung thực những tồn tại, hạn chế và cả những giải pháp khắc phục rất thuyết phục, sát với yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu cho rằng nguồn lực chi cho công tác phòng, chống dịch vừa qua chủ yếu mới được thống kê từ nguồn ngân sách nhà nước. Nguồn huy động từ Nhân dân, từ xã hội chưa được thống kê đầy đủ, đóng góp của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là vô cùng to lớn, không thể cân đong, đo đếm được. Đây là tình nghĩa đồng bào, là ý thức trách nhiệm, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được ghi nhận, biểu dương, tôn vinh, cả nước từ cụ già đến em bé, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều chia sẻ những khó khăn cho những người ở vùng bị phong tỏa. Nhiều người nhận được những mớ rau, vài cân gạo, một chai mắm trong lúc khó khăn, thiếu đói cảm động đến rơi nước mắt, họ không biết tên những người đã cưu mang mình trong hoạn nạn. Những chiến sĩ áo trắng, áo xanh không sợ hiểm nguy, lao vào những nơi nguy hiểm nhất, nơi Nhân dân đang oằn mình chống chọi với dịch bệnh, nơi nhiều bệnh nhân thoi thóp mong chờ được cứu sống thì mới thấy hết được ý nghĩa, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với Nhân dân, mới thấy hết được tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam nó cao đẹp vĩ đại, biết bao. Chính nhờ những nội lực tiềm ẩn đó đã giúp chúng ta vượt qua đại dịch.

Báo cáo của Ủy ban Xã hội cũng đã chỉ ra chế độ, chính sách cho đối tượng tham gia phòng, chống dịch chưa tương xứng, chưa bao quát hết các đối tượng, việc điều tra, hỗ trợ người lao động, nhất là lao động tự do không giao kết hợp đồng lao động và những người sử dụng lao động chịu sự ảnh hưởng của đại dịch chưa kịp thời, vẫn còn nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra phổ biến ở các bệnh viện và hầu hết ở các địa phương đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại biểu phản ánh thực tế, bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo đơn của bác sĩ, vật tư y tế cạn kiệt phải chuyển viện với nhiều phẫu thuật thông thường, máy móc, thiết bị hư hỏng không thể sửa chữa do vướng cơ chế. Gần đây các gói thầu tập trung mua sắm vật tư hóa chất, vật tư y tế tiêu hao được lại vướng Thông tư 08 của Bộ Y tế, trong đó có nội dung bãi bỏ toàn bộ Thông tư 14, nhưng Thông tư 08 cũng không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ như thế nào sau khi bãi bỏ Thông tư 14, bí quá lại quay về Nghị định 98. Tức là phải có 3 báo giá với từng loại vật tư nên lại bí và việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa đến hồi kết. Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng mặc dù được quan tâm nhưng chưa đủ năng lực để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch, công tác điều hành, phối hợp trong công tác phòng, chống đại dịch còn bị động, lúng túng, cơ sở vật chất và nguồn lực trong nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế cấp cơ sở như rất nhiều đại biểu trước đại biểu đã phát biểu.

Để nâng cao hiệu quả việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và huy động hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian tới, đại biểu đề nghị: Quốc hội cần xem xét sớm ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp để quy định thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan địa phương trong xử lý các tình huống khi xảy ra đại dịch, nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước tình huống khẩn cấp. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, pháp luật, khắc phục bất cập, hoàn thiện hệ thống pháp luật y tế phòng, chống dịch, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, hay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tinh thần chung của Đảng, Chính phủ chỉ đạo là chống dịch như chống giặc, cả hệ thống chính trị đã lao vào cuộc chiến chưa có tiền lệ với một tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của Nhân dân. Đây là tình thế chưa có tiền lệ, do vậy, không tránh khỏi những thiếu sót. Nếu chúng ta áp dụng chính sách pháp luật trong thời bình để giải quyết, để đánh giá những quyết định trong thời chiến thì thật không công bằng.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan phải tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hướng dẫn giải quyết những tồn tại; giao quyền cho Hội đồng nhân dân các tỉnh căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để quyết định giải quyết những vấn đề như thanh toán, quyết toán những vấn đề chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; thanh toán tiền ăn, nghỉ cho nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tự nguyện; giải quyết dứt điểm những chế độ, chính sách liên quan đến lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID tại cơ sở, v.v.

Theo đại biểu, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ưu đãi tín dụng chính sách thuế thương mại, thanh toán điện tử, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, giải quyết các tồn tại phát sinh, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay, tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 146 năm 2018, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để thống nhất phương thức, phù hợp với thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo giá giao dịch. Nghiên cứu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến xã. Cùng với đầu tư của Trung ương, giao thẩm quyền cho các địa phương tự cân đối ngân sách, ban hành cơ chế chính sách để thu hút đào tạo, ưu đãi nguồn nhân lực y tế phù hợp với tình hình kinh tế của từng địa phương.

Minh Hùng