GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI

05/06/2023

Sáng 5/6, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), một số ý kiến đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội,..

SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT NHÀ Ở: THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ NHÀ Ở

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV 

Luật Nhà ở số 65/QH14 được Quốc hội khóa 13 thông qua năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015 đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở. Đồng thời, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau 08 năm thực hiện, Luật Nhà ở năm 2014 bên cạnh các kết quả đã đạt được cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều [1]; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở hiện hành, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội,..

Liên quan đến đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng,  cần rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm từ những bất cập, vướng mắc trên thực tế khi triển khai các quy định tại Điều 49, 50 và 51 Luật nhà ở 2014, để sửa đổi có tính đột phá, phù hợp, khả thi, tạo điều kiện cho cả người dân và doanh nghiệp thực hiện được chính sách nhân văn này.

Theo đại biểu, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nghiên cứu sửa đổi Điều 73 Dự thảo theo hướng qui định tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai, mà không liệt kê 12 loại đối tượng cụ thể như Điều 73 dự thảo. Bởi lẽ, nếu liệt kê như dự thảo thì những người có thu nhập thấp (vẫn còn trong thực tế nhưng không thuộc 12 đối tượng thống kê tại Điều 73) thì lại không được hưởng chính sách của Nhà nước về nhà ở xã hội.

“Việc liệt kê các loại đối tượng, không chỉ 12 loại mà có thể nhiều hơn nữa nên được thể hiện tại Điều 74 và Điều 75, để cụ thể hóa các điều kiện và có hình thức, chính sách hỗ trợ khác nhau cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể…”, đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại  biểu cũng cho rằng, điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 75 Dự thảo cần được quy định rõ, hiểu đúng, hướng dẫn đúng để tránh những vướng mắc phát sinh trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Về nội dung này, tham gia thảo luận Tổ, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất nhân văn, đúng đắn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần kiểm soát việc xây dựng nhà ở phải gắn với các hạ tầng thiết yếu khác, như trường học, trạm xá…, cũng như bảo đảm an ninh trật tự.

Theo đại biểu, cần quy định rõ tỷ lệ bao nhiêu nhà ở thì cần bao nhiêu trường học và các cơ sở thiết yếu khác, để tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ xây nhà mà không quan tâm đến các thiết chế khác để bảo đảm nhu cầu cơ bản của người ở trong khu vực.

Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ, trước nhu cầu nhà ở xã hội lớn, việc xét đối tượng được mua nhà ở xã hội cần phải được tiến hành một cách công bằng.

Về điều kiện thu nhập, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp. Thực tế, mức thu nhập bình quân của 1 công nhân chỉ đáp ứng được khoảng 80% chi tiêu1 thì việc tích lũy mua nhà là điều bất khả thi. Tiêu chí xác định “thu nhập thấp” chưa tính đến tỷ lệ chi phí trả cho ngôi nhà trên tổng thu nhập hộ gia đình khiến người lao động thu nhập thấp khó có thể mua được nhà ở xã hội.

Đại biểu đề nghị, cần rà soát, cắt giảm các điều kiện, thủ tục hành chính về hồ sơ giấy tờ chứng minh, xác nhận tạo thuận lợi cho người lao động được tiếp cận với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nhân văn này.

Nêu quan điểm về nội  dung này, đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn DDBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay trên địa bàn các tỉnh, bên cạnh các khu công nghiệp, còn có khu kinh tế và có rất nhiều các cụm công nghiệp đang thu hút số lượng lớn công nhân lao động. Do vậy, nếu chỉ ưu tiên mình công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp là chưa bao quát hết các đối tượng khó khăn. Ngoài ra, trong khối lực lượng công nhân lao động có một số lực lượng công nhân lao động chất lượng cao, được hưởng mức lương, thu nhập cao, họ có đủ điều kiện để chăm lo cuộc sống cho bản thân và gia đình họ, đối tượng này chưa nhất thiết phải thực hiện chính sách hỗ trợ.

Để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu đề nghị sửa Khoản 6 thành: “Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”

Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội được quy định tại Điều 80, đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu thực tế, hiện nay có nhiều địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Việc chưa thực hiện nghiêm việc bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có chế tài cụ thể về trách nhiệm tổ chức thực hiện./.

Lê Anh - Nghĩa Đức