ĐBQH PHẠM TRỌNG NGHĨA: TẠO THUẬN LỢI TỐI ĐA CHO DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

01/06/2023

Tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội tại Phiên họp toàn thể sáng 01/6, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. ĐBQH sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm Kỳ họp bất thường để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 1/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Sáng 01/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm 2022, kinh tế - chính trị toàn cầu liên tục xuất hiện nhiều bất ổn, mặc dù vậy, nước ta vẫn giữ vững được ổn định, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và phát triển. Thành công này có được từ sự đồng tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao độ và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng chính quyền địa phương các cấp.

Bên cạnh đó, Báo cáo số 232/BC-CP ngày 17/5/2023 của Chính phủ nhận định: tình hình trong nước có thể chuyển biến tích cực nếu tình hình thế giới thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ở phạm vi toàn cầu, Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 không sáng sủa, cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp; lạm phát cao; tổng cầu giảm; thương mại toàn cầu chậm lại. Các chỉ số kinh tế - xã hội đều thấp hơn năm 2022, mất việc làm đang và sẽ diễn ra nhanh chóng trên quy mô toàn cầu. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tăng trưởng việc làm năm 2023 chỉ đạt 1.0%, và dự báo năm 2024 chỉ đạt 1.1%, thấp hơn nhiều so với mức 2.3% của năm 2022.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, là quốc gia có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng, điều kiện quốc tế có tác động mạnh đến sự phát triển trong nước. Thực tế ở nước ta cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay: Xuất khẩu giảm 11.8%, nhập khẩu giảm 15%; tốc độ tăng GDP Quý 1/2023 giảm 2.58 điểm tương ứng 43.7% so với mức 5.9% của Quý 4/2022; số doanh nghiệp mới tham gia thị trường giảm; trong khi tình trạng mất việc làm tăng.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp đã và luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kỳ đại dịch vừa qua. Vì vậy, Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này. ĐBQH sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm Kỳ họp bất thường để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp như: Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, cho người dân. Đồng thời bày tỏ nhất trí việc giảm thuế VAT 2% sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, đồng thời đề nghị xem xét kéo dài sang năm 2024.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại; Quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; Chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề an sinh xã hội phát sinh do khó khăn của doanh nghiệp mang lại.

Xem xét ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực

Về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đễn sự thịnh vượng của Quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Ở nước ta, năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 4.8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5.5%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này.

Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 của Quốc hội đề ra mục tiêu: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm.

Với xuất phát điểm 4.8% của năm 2022, để đạt được mục tiêu 5 - 6% của năm 2023, tiến tới mục tiêu 6.5% của giai đoạn 2021 - 2025 cần có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Tuy nhiên, Báo cáo số 232/BC-CP ngày 17/5/2023 của Chính phủ lại chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân chưa đạt. Từ đó, đề xuất các giải pháp riêng nhằm đạt chỉ tiêu này cho năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đưc Hải điều hành nội dung phiên họp.

Về phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương ban hành 3 chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021- 2030.

Từ đầu Nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thể chế hóa và thực thi trên thực tế quan điểm của Đảng về các đột phá chiến lược. Trong đó, phải kể đến các điểm nhấn như: Đối với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế: UBTVQH đã ban hành Kế hoạch số 81 với 137 nhiệm vụ lập pháp của Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đối với đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Quốc hội đã quyết định tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 21 - 25 là 2.8 triệu tỷ đồng, tăng 37% so với giai đoạn 16 - 20, phần lớn trong số này là dành cho phát triển hạ tầng. Quốc hội cũng đã thông qua các quy hoạch, kế hoạch cấp quốc gia nhằm định hướng không gian phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, ngoài 02 tiểu dự án thành phần về phát triển nguồn nhân lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia áp dụng cho các đối tượng đặc thù thì vẫn chưa có một chương trình tổng thể ở tầm Quốc hội liên quan đến đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, để một mặt, phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, một mặt, chuẩn bị các điều kiện cần thiết thích ứng với thời kỳ dân số già sẽ xảy ra trong tương lai.

Đồng thời Quốc hội ưu tiên xem xét các Luật liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạọ để thể chế hóa quan điểm của Đảng và quy định của Hiến pháp: khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Từ đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Trọng Quỳnh