Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn hoạt động. Do vậy, việc Quốc hội lấy ý kiến đồng đảo nhân dân về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hơn, giúp kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày phát triển nhanh, bền vững.
Đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do vậy, sửa Luật Hợp tác xã nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo khung khổ pháp luật thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, đồng thời tiệm cận với Luật Hợp tác xã của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, tên dự thảo Luật Hợp tác xã vẫn được giữ nguyên nhằm đảm bảo tính nhất quán của hệ thống lập pháp của Nhà nước và tuân thủ việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Điều này cho thấy, Chính phủ đã thống nhất phương án tiếp thu của Ủy ban Kinh tế chưa đưa nội dung về liên đoàn hợp tác xã vào dự thảo Luật. Chính phủ sẽ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua “Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận số 2107/TB-TTKQH, sau đó chính thức hoá để đưa vào điều, khoản trong Luật.
Đáng chú ý, dự thảo Luật lần này cũng khác Luật Hợp tác xã năm 2012 về việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW tại Chương II nhằm cụ thể hoá việc hỗ trợ của Nhà nước đối với sự phát triển của kinh tế tập thể, qua đó giúp cho khu vực này phát triển nhanh và bền vững. Điển hình như, dự thảo Luật đã tách nội dung các chính sách từ 01 điều thành 09 điều, trong đó nhóm các quy định về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thành 01 điều riêng để thể hiện sự ưu tiên, quan tâm đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiêp đang chiếm đa số (70%) hiện nay. Theo đó, đã rà soát, chỉnh lý nội dung các chính sách phù hợp, thống nhất với các chính sách hiện hành và quy định pháp luật có liên quan. Bỏ quy định phương thức hỗ trợ sẽ được quy định cụ thể tại văn bản hướng dẫn Luật cho từng nhóm chính sách và Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể theo Thông báo kết luận số 2107/TB-TTKQH.
Ảnh minh họa
Cùng với đó, dự thảo Luật lần này cũng có cách tiếp cận rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn để giúp cho các hợp tác xã có thể tiếp cận được các nguồn lực từ công tác liên quan đến quản trị, điều hành hợp tác xã. Nếu trong Luật năm 2012 chỉ có thành viên của hợp tác xã thì trong dự thảo Luật lần này đã cụ thể hoá thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn. Như vậy, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã mở rộng điều kiện huy động thành viên và phát triển quy mô của mình.
Điều đáng nói, dự thảo Luật lần này đã cho phép thành lập doanh nghiệp ở trong hợp tác xã là công ty TNHH một thành viên, có nghĩa là sở hữu thuộc hợp tác xã, còn mô hình hoạt động sẽ theo mô hình hoạt động của Luật doanh nghiệp. Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nhận thấy, đây là điều kiện cho phép các hợp tác xã sử dụng doanh nghiệp như một công cụ để tối đa hoá lợi nhuận trên thị trường, hoạt động bình đẳng và việc tiếp cận thị trường được thuận lợi. Đây là điều rất tích cực, giúp cho các hợp tác xã mở ra thị trường mới rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết Chính phủ cũng thống nhất với quan điểm của Ủy ban Kinh tế quy định theo hướng Luật Hợp tác xã năm 2012 đã quy định, cho phép cá nhân là người nước ngoài và pháp nhân Việt Nam tham gia thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhưng phải bảo đảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tiếp cận thị trường theo quy định của pháp luật về đầu tư, các pháp luật khác có liên quan, tuân thủ pháp luật về lao động nhằm bảo đảm vấn đề an ninh, chính trị, quốc phòng.
Theo đại biểu, một điểm mới nữa của dự thảo Luật lần này là đã cho phép các hợp tác xã được tham gia góp vốn, cổ phần, thành lập doanh nghiệp với các mô hình khác, đây là điều rất tích cực. Cùng với đó, việc thành lập quỹ chung không chia để khi hợp tác xã hoạt động có lợi nhuận sẽ trích lợi nhuận cho thành viên theo tỷ lệ hoặc mua tài sản chung không chia giúp các hợp tác xã ngày càng lớn mạnh hơn.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nêu rõ, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã tiệm cận hơn với các Luật của nhiều nước trên thế giới cũng như những quy định của các hợp tác xã trên thế giới. Do vậy, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ mở ra một khung khổ pháp lý, một cơ hội lớn để các hợp tác xã phát triển một cách mạnh mẽ hơn, thu hút được nhiều thành viên, nhiều người dân tham gia vào khu vực này để phát triển kinh tế và cũng là cách thức để chính thức hoá khu vực phi chính thức mà hiện nay đang tồn tại ở Việt Nam. Với khung khổ pháp lý mới của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng cho phép hiện thực hoá được mục tiêu đặt ra đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Nghị quyết 20 của Trung ương./.