TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Làm rõ khái niệm “hoạt động phòng thủ dân sự”
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được chuẩn bị công phu, chu đáo, đã tiếp thu, giải trình cơ bản các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 dự thảo quy định luật này quy định nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự, nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự, v.v.. Tại Chương II về hoạt động phòng thủ dân sự chỉ đề cập tới các hoạt động phòng thủ dân sự gồm hoạt động phòng ngừa; hoạt động khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; hoạt động khi xảy ra sự cố, thảm họa; hoạt động khắc phục sự cố, thảm họa. Tại Chương III quy định về chỉ huy, chỉ đạo lực lượng phòng thủ dân sự.
Đại biểu đặt vấn đề, hoạt động chỉ huy, chỉ đạo lực lượng phòng thủ dân sự có thuộc nội hàm hoạt động phòng thủ dân sự không? Nếu thuộc nội hàm hoạt động phòng thủ dân sự thì nên gộp Chương II và Chương III thành một chương. Nếu hoạt động chỉ huy, chỉ đạo lực lượng phòng thủ dân sự không thuộc nội hàm hoạt động phòng thủ dân sự thì cần thiết phải điều chỉnh Điều 1 về phạm vi điều chỉnh để phù hợp với nội hàm của dự thảo luật.
Về giải thích từ ngữ tại Điều 2, đại biểu cho rằng cần thiết giải thích, bổ sung và làm rõ cụm từ "hoạt động phòng thủ dân sự" bao gồm những hoạt động nào. Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự tại Điều 3. Khoản 5 quy định "tăng cường củng cố năng lực phòng thủ dân sự là nhiệm vụ ... bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu". Như vậy, dự thảo mới quy định việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, còn tài sản của cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân thì chưa được quy định. Do đó, chưa thống nhất với khoản 1 Điều 2, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung cho đầy đủ và thống nhất.
Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong khắc phục hậu quả sự cố
Về đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự tại Điều 17, tại điểm a khoản 2 quy định "cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung phòng thủ dân sự". Đại biểu đề nghị nghiên cứu theo hướng cơ quan quân sự các cấp chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để tránh tình trạng chỉ có cơ quan quân sự làm nhiệm vụ và được điều chỉnh, sửa lại thành: "Cơ quan quân sự các cấp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung phòng thủ dân sự".
Về Quỹ Phòng thủ dân sự, Điều 41, đại biểu lựa chọn phương án 1, vì việc huy động quỹ từ nguồn ngân sách hạn chế, mặt khác, việc quy định quỹ trong luật là cơ sở pháp lý cho việc huy động quản lý, sử dụng kịp thời nguồn kinh phí nhằm khắc phục ngay khi thảm họa sự cố xảy ra, tránh tình trạng phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ trong trường hợp cấp bách như phương án 2.
Về trách nhiệm cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung 01 điều luật về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông vì khi xảy ra thảm họa, sự cố có thể ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thông tin liên lạc, tuyên truyền, từ đó ảnh hưởng đến mọi hoạt động của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn.
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục hậu quả theo hướng sau: ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin truyền thông về khắc phục hậu quả, sự cố thông tin liên lạc; chỉ đạo và điều phối tổ chức kiểm tra, xác định khu vực bị thiệt hại và tổ chức khắc phục; chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ liên quan xây dựng hệ thống thông tin liên lạc liên quan đến phòng thủ dân sự; chỉ đạo thực hiện bảo đảm công tác thông tin liên lạc, công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.