TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 26/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Để hoàn thiện dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre góp ý vào 4 vấn đề:
Thứ nhất, về hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại Khoản 1, Điều 50 của dự thảo Luật có quy định các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó tại điểm i có quy định hoạt động “tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng”. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị thay đổi từ đào tạo thành tập huấn hoặc bồi dưỡng sẽ phù hợp hơn với đối tượng là người tiêu dùng.
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre góp ý thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thứ hai, tại Khoản 2, Điều 50 dự thảo Luật quy định các điều kiện để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, trong đó tại Điểm c có quy định điều kiện là tổ chức xã hội có thời gian hoạt động tối thiểu là một năm, tính từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện. Đại biểu đề nghị nên bỏ nội dung này, vì theo đại biểu, tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp theo điều kiện quy định tại Điểm e, Khoản 2 điều này thì tổ chức đó có đủ điều kiện hoạt động kể từ ngày thành lập, bao gồm hoạt động tự mình khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ ba, về phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 54 của dự thảo Luật có quy định không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định được đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng quy định này không phù hợp với nguyên tắc giải quyết tranh chấp dân sự quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hòa giải ở cơ sở và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa. Theo đó, khi có tranh chấp dân sự phát sinh thì các bên có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và trong đó thương lượng, hòa giải là phương thức được khuyến khích lựa chọn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để quy định cho phù hợp với pháp luật dân sự.
Thứ tư, về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng tại Khoản 2, Điều 73 dự thảo Luật quy định “Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng”. Nhằm động viên các tổ chức xã hội tích cực trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị điều chỉnh Khoản 2, Điều 73 lại theo hướng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được giao cho tổ chức xã hội đã khởi kiện để sử dụng cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng./.