ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: KHẨN TRƯƠNG THÁO GỠ NHỮNG ÁCH TẮC, BẤT CẬP CỦA HỆ THỐNG LUẬT PHÁP

24/05/2023

Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần bổ sung xây dựng một số luật, khẩn trương tháo gỡ những ách tắc, bất cập của hệ thống luật pháp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Thúc đẩy việc sửa đổi Luật Thương mại trong Khóa XV

Nhấn mạnh căn cứ tại Điều 52 của Hiến pháp 2013, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường, thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.

Trên cơ sở những quy định pháp luật, đặc biệt là của Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng, đại biểu đồng ý với ý kiến của đại biểu Lê Xuân Thân về tính cấp bách của việc bổ sung, sửa đổi Luật Thương mại từ năm 2005 đến nay. Theo đại biểu, lúc đó chúng ta xây dựng luật này còn thiếu rất nhiều định chế và rất sơ lược. Từ đó đến nay đã 20 năm, chúng ta đã gia nhập rất nhiều hiệp định và công ước quốc tế, tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt vấn đề công nghệ đã phát triển rất dữ dội, thương mại số, tài sản số, thanh toán số, v.v. thì Luật Thương mại của chúng ta đã lạc hậu rất nhiều. Đại biểu đề nghị bổ sung và thúc đẩy việc sửa đổi Luật Thương mại trong khóa XV này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh 

Bên cạnh đó, đối với Luật Luật sư, luật này được sửa đổi vào năm 2012 trước Hiến pháp 2013 cho nên Luật Luật sư bây giờ vẫn căn cứ vào Hiến pháp 1992. Lúc đó chúng ta chỉ có 5.000 luật sư, bây giờ là gần 20.000 luật sư và do hội nhập như thế thì rất nhiều công ty luật và luật sư nước ngoài vào hoạt động ở Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng đã gia nhập rất nhiều công ước, hiệp định quốc tế và trong đó vai trò của luật sư rất quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp và trong việc thiết kế các thương vụ khác nhau. Trong đề án định hướng có nêu nhưng chưa thấy cập nhật vào kế hoạch của năm 2024 mà chúng ta chỉ còn có nửa nhiệm kỳ nữa. Do đó, đề nghị bổ sung và thúc đẩy việc sửa đổi luật này. Đại biểu đề nghị bổ sung việc sửa đổi Luật Luật sư và Luật Công chứng vào chương trình xây dựng luật khóa XV và vào đề án định hướng.

Đối với Luật Đô thị đặc biệt, đại biểu chỉ rõ, nếu chúng ta đọc Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị có nói Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đó và đồng thời xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan. Đại biểu cho rằng, đã đến lúc chúng ta xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực phổ quát mà cho đến nay thì chúng ta chỉ làm những nghị quyết chuyên biệt có tính chất thí điểm.

Hiện nay chúng ta thí điểm các dạng thí điểm khác nhau, điều này cũng đã đủ để bắt tay vào xây dựng Luật Đô thị đặc biệt, xác định đây là định hướng trung hạn và dài hạn. Do đó, Luật Đô thị đặc biệt cũng là định hướng để cho sự phát triển của các đô thị khác ở nước ta như Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang hay là Cần Thơ.

Tháo gỡ những ách tắc, bất cập của hệ thống luật pháp

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị bổ sung một luật nữa là Luật Liên kết kinh tế vùng. Đại biểu phân tích, Điều 52 Hiến pháp 2013 nói rằng chúng ta phải thúc đẩy liên kết kinh tế vùng. Thực ra vấn đề này đã được đề ra từ cách đây hơn 20 năm và đưa vào Hiến pháp, vừa rồi chúng ta lại mới có 6 nghị quyết về vùng kinh tế trọng điểm của Bộ Chính trị.

Đại biểu cho rằng lâu nay vấn đề liên kết vùng vẫn giẫm chân tại chỗ, nhiều động lực của các địa phương đã bị khai thác hết và có rất nhiều điểm nghẽn đang tồn tại. Do đó, vấn đề liên kết vùng đã được nghị quyết của Đảng chỉ ra là hết sức cấp bách nhưng chúng ta thiếu những quy định pháp luật cụ thể.

Hiện nay nhu cầu thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, quản lý quá trình đô thị hóa và đồng thời điều chỉnh cách biệt về mức sống của vùng, miền tương đối cao. Theo đại biểu, luật về liên kết kinh tế vùng đã chín muồi. Chính vì chúng ta thiếu luật này cho nên chúng ta chưa triển khai được hiệu quả trong thực tiễn về liên kết vùng. 63 tỉnh, thành vẫn không tiến tới được một sự liên kết kinh tế vùng một cách có hiệu quả. Mỗi tỉnh, thành chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn của chính địa phương mình mà thôi.

Đại biểu nhấn mạnh, hiện giờ đã có nghị quyết của Đảng, Hiến pháp cũng đề ra rồi, đề nghị đưa vấn đề này vào chương trình để nghiên cứu mới, vì trong đề án định hướng có phần rà soát và phần nghiên cứu mới. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị khẩn trương đưa vào chương trình nội dung này để chúng ta tháo gỡ những ách tắc, bất cập của hệ thống luật pháp.

Minh Hùng