PHÂN BỔ THỜI GIAN HỢP LÝ, TẠO ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT ĐỂ CÁC CƠ QUAN TIẾP THU, CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT, NGHỊ QUYẾT

19/05/2023

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 22/5 tới đây, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Trước thềm Phiên khai mạc, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, một trong những đổi mới tại kỳ họp lần này là, tổ chức thành 2 đợt nhằm tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo Chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 22/5 tới đây, dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 5 được tiến hành theo hai đợt: đợt 1 từ ngày 22/5 – 10/6; đợt 2: từ ngày 19/6 – 23/6.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân;..

Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về 9 dự án Luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); ...

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo: về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu  năm 2023; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022;...

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.707 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;....

Nghiên cứu dự kiến chương trình kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao những nội dung được Quốc hội đưa vào chương trình làm việc. Đồng thời, bày tỏ đồng tình với việc tổ chức kỳ họp thành 02 đợt nhằm tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 22/5 tới đây, đại biểu có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị cũng như những nội dung được xem xét, quyết định tại Kỳ họp lần này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Có thể thấy, mặc dù ngày 22/5 khai mạc kỳ họp nhưng công tác chuẩn bị cho Kỳ họp đã được Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội triển khai từ sớm, từ xa. Ngay từ sau Kỳ họp thứ 4, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan hữu quan để tích cực chuẩn bị các nội dung đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, không quản ngại vất vả với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ” để đảm bảo chu đáo, kỹ lưỡng mọi mặt công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra thành công tốt đẹp.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động các Đoàn ĐBQH, các vị đại biểu Quốc hội cũng luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân, cử tri,.... để tổng hợp, kịp thời phản ánh đến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu đưa tiếng nói của cử tri tới nghị trường.

Về công tác cung cấp tài liệu phục vụ kỳ họp, Kỳ họp thứ 5 cũng đã có nhiều cải tiến, cơ bản đáp ứng yêu cầu về gửi tài liệu. Trên phần mềm của Quốc hội đã cung cấp tương đối đầy đủ và liên tục cập nhật thêm các tài liệu phục vụ Kỳ họp để đại biểu có thời gian nghiên cứu trước khi thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp.

Để Kỳ họp diễn ra thành công, công tác chuẩn bị vô cùng quan trọng, Văn phòng Quốc hội mà đặc biệt là đồng chí Tổng Thư ký Quốc hội đã rất quyết liệt, liên tục đổi mới nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp, đảm bảo các hoạt động tại Kỳ họp diễn ra an toàn, đúng quy trình, ...

Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, được tiến hành theo hai đợt: đợt 1 từ ngày 22/5 – 10/6; đợt 2: từ ngày 19/6 – 23/6, từ ngày 11/6 – 18/6. Việc tổ chức như vậy, sẽ tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 5 được nhận định là có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành. Vậy, đâu là nội dung đại biểu đặc biệt quan tâm trong dự kiến Chương trình kỳ họp?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Kỳ họp thứ 5 có khối lượng lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng. Theo đó, khối lượng công việc liên quan đến công tác lập pháp là tương đối đồ sộ. Cụ thể: Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 08 luật, 03 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 09 dự án luật khác.

Trong đó, một nội dung đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri là dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại dự thảo trình Quốc hội lần này đã có nhiều sửa đổi, tiếp thu, hoàn thiện tích cực so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, vẫn cần một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thể hiện sâu rộng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ- TW đặc biệt là các vấn đề liên quan đến: tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư đất; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất;...  Đối với quy định về giá đất, cần làm rõ những căn cứ xác định giá đất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như quyền lợi của nhà nước và đối tượng được giao đất.  Đây là một trong những vấn đề khó để xác định chính xác được giá đất sát với giá trị trường và làvấn đề hết sức phức tạp do bản thân yếu tố thị trường luôn biến động....

Phóng viên: Kỳ họp thứ 5 được nhận định là có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành. Vây, đại biểu có kỳ vọng gì trước thềm khai mạc kỳ họp lần này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua cũng như những nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định, kỳ vọng kỳ họp sẽ diễn thành công tốt đẹp với những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân.

Nội dung Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này đều là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải sớm giải quyết, phản ánh đúng yêu cầu của thực tế xã hội hiện nay. Do đó, kết quả của Kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, qua thảo luận tại Kỳ họp sẽ có giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xuất phát xuất phát từ lợi ích đất nước, trên cơ sở thực tiễn hoạt động sinh động, kinh nghiệm của mỗi đại biểu trong từng ngành, lĩnh vực, kỳ họp sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, đưa ra các quyết sách đúng đắn đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước./.

Lê Anh

Các bài viết khác