ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CƠ QUAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI) CẦN CẦU THỊ TIẾP THU CÁC NỘI DUNG ĐÃ ĐÓNG GÓP TẠI PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT

16/05/2023

Đóng góp vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), ĐBQH Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật phải hết sức cụ thể, cầu thị, kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện trong việc tiếp thu, giải trình 20/61 nội dung mà các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ XUẤT ĐÁNH GIÁ CỤ THỂ HƠN VỀ MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG CỦA QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: NỘP PHÍ QUYỀN HOẠT ĐỘNG VIỄN THÔNG KHÔNG PHÙ HỢP VỚI LUẬT PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, chất lượng dịch vụ viễn thông được hoàn thiện và nâng cao, phát triển thị trường viễn thông đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới.


Đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.

Quan tâm đến dự án Luật trên, đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đánh giá rất cao Chính phủ, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan trực tiếp soạn thảo dự án Luật. Đánh giá cao Tiểu ban Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp chủ trì thẩm tra dự án Luật này. Qua theo dõi quá trình thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, việc sửa đổi Luật Viễn thông có một số thách thức:

Một là, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) là một trong những dự án Luật chuyên ngành khó, tính kỹ thuật rất đặc thù, thời gian ngắn, yêu cầu chất lượng sửa luật rất cao, đảm bảo thể chế hoá đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, các cam kết quốc tế, bình đẳng giới và đặc biệt là đánh giá tác động của dự án Luật sửa đổi;

Hai là, nhân sự triển khai mỏng kể cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã có những giải pháp đúng đắn, kịp thời, cụ thể là:

Thứ nhất, hai cơ quan đã chủ động chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra;

Thứ hai, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự án Luật có sự đồng hành trong suốt quá trình xây dựng Luật của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra;

Thứ ba, Tiểu ban Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã tổ chức lập kế hoạch, phân công và tổ chức thực hiện kế hoạch hết sức kỹ lưỡng và chặt chẽ, đúng tiến độ;

Thứ tư, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tận dụng tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà quản lý, các hiệp hội thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị do cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp tổ chức;

Thứ năm, tính thực tiễn, khả thi của Luật đã được cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đặc biệt trú trọng, thông qua việc tích cực khảo sát thực tế tại các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kể cả những vùng sâu, vùng xa và những Trung tâm kinh tế lớn, đầu tàu của cả nước.


Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Về việc tiếp thu, giải trình của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, đại biểu Trần Văn Khải đánh giá cao sự nghiêm túc, kỹ lưỡng, cầu thị của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp chắp bút dự thảo dự án Luật của cả 2 cơ quan, cụ thể:

Một là: Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp, nghe rất kỹ dự án Luật này. Trên cơ sở đó đã có thông báo kết luận 2220/TB-TTKQH ngày 20/4/2023. Theo đó, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ có ý kiến với 61 nội dung của dự án Luật do Chính phủ trình. Theo dự án Luật trình tại Phiên họp lần thứ 6, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu 41 nội dung và giải trình 20 nội dung. 

Hai là: Cơ quan thẩm tra là Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có 36 ý kiến đối với dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý 22 nội dung, giải trình 11 nội dung và có 3 nội dung tiếp tục làm việc với các cơ quan có liên quan;

Ba là: Việc sửa đổi Luật Viễn thông được triển khai thông qua lấy ý kiến đầy của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội.

Có thể nói, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, trực tiếp là các cá nhân tham gia chắp bút dự án Luật này đã hết sức nghiêm túc, cầu thị, kỹ lưỡng trong quá trình tiếp thu, giải trình các ý kiến để đảm thể chế đầy đủ chủ trương của đảng và Nhà nước, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, các cam kết quốc tế, bình đẳng giới. Các ý kiến cụ thể thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có thống nhất và thể hiện trong Dự thảo Báo cáo Thẩm tra Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo phải hết sức cầu thị, kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện trong việc tiếp thu, giải trình 20/61 nội dung mà các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 4/2023 nhưng cơ quan soạn thảo lựa chọn giải trình, không tiếp thu. Đồng thời, cơ quan soạn thảo có trách nhiệm tiếp thu, giải trình đầy đủ hết các ý kiến tại Báo cáo thẩm tra của Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và đặc biệt là các ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội là thành viên Uỷ ban trong Phiên họp toàn thể lần thứ 6 để hoàn thiện dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới./.

Bích Lan