CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA: BỔ SUNG THÊM ĐÁNH GIÁ VỀ TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀO BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN KT-XH NĂM 2022-2023

09/05/2023

Góp ý về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN năm 2022, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2023 tại Phiên họp thứ 23 của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị bổ sung thêm một số đánh giá về mảng xã hội, về tội phạm và vi phạm pháp luật cho đầy đủ, toàn diện, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, qua đó tiếp tục đề ra các giải pháp chỉ đạo, phòng ngừa và xử lý hiệu quả.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/5: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 23 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ PHÁT BIỂU KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA UBTVQH: XEM XÉT KHỐI LƯỢNG LỚN CÁC NỘI DUNG CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại Phiên họp thứ 23 của UBTVQH, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội thời gian qua và đã đạt được đa số các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Đồng thời tập trung đóng góp một số ý kiến thiên về mảng xã hội, về tội phạm và vi phạm pháp luật. Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần bổ sung thêm một số đánh giá về mảng xã hội, về tội phạm và vi phạm pháp luật.

Về tổng thể chung, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm gia tăng, đó là tội phạm giết người, mua bán người, cho vay lãi nặng, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và một số loại tội phạm giảm nhưng diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp tài sản, cướp giật tài sản, chống người thi hành công vụ, tội phạm về trật tự xã hội tuy có giảm nhưng hậu quả do tội phạm này gây ra lại tăng, gây bất an và lo lắng trong Nhân dân.

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước đã có những bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, đã phát hiện, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận như chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm... Xảy ra không chỉ ở khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm.

Về tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người qua biên giới phía Tây Nam nước ta đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như lừa bán người qua biên giới Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, đồng thời ép buộc thực hiện các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm vào người Việt Nam. Đáng lưu ý, nạn nhân bị lừa bán hiện nay có cả nam giới, trẻ em dưới 16 tuổi và bị hại có ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, tội phạm xâm hại trẻ em tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Một số vụ đối tượng thực hiện hành vi dã man như xâm hại tình dục, xâm hại thân thể, tính mạng và cá biệt có vụ chỉ khi có hậu quả chết người mới bị phát hiện, xử lý.

Về tội phạm ma túy đang có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch COVID-19, việc quản lý người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều bất cập, nhất là đối tượng có biểu hiện loạn thần, ngáo đá. Vẫn xảy ra nhiều vụ việc người nghiện ma túy ảo giác thực hiện hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, còn nhiều trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử, tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải lót tay trong giải quyết công việc là thực trạng đã xảy ra nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung, đánh giá cụ thể hơn đối với các nội dung trên, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, qua đó tiếp tục đề ra các giải pháp chỉ đạo, phòng ngừa và xử lý hiệu quả. Cho rằng đây là báo cáo kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hiện báo cáo vẫn thường xuyên thiên về mảng kinh tế mà nhẹ về mảng xã hội, đề nghị đánh giá kỹ hơn về mảng xã hội.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành trong đánh giá tình hình triển khai Kế hoạch năm 2023 và tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2023.

Kết quả báo cáo sơ kết công tác công an quý I/2023 cho thấy tội phạm về tham nhũng, chức vụ có xu hướng tăng cao. Theo đó, quý I/2023 lực lượng công an đã phát hiện 218 vụ, 708 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 65 vụ và 424 đối tượng so với quý I/2022.

Về tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, không gian mạng, tội phạm ma túy còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đánh giá thêm về những nội dung nêu trên cho đầy đủ, toàn diện, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế để đề xuất các giải pháp phù hợp./.

Bích Ngọc