ĐBQH PHẠM VĂN HOÀ: CẦN ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA CÁC BÊN KHI XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT

24/04/2023

Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và nhân dân đã khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng luật, đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần làm rõ những căn cứ xác định giá đất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như quyền lợi của nhà nước và đối tượng được giao đất.

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: TIẾP TỤC GIÁM SÁT SÂU RỘNG VIỆC GIẢI NGÂN CÁC GÓI HỖ TRỢ DÀNH CHO PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

ĐBQH NGUYỄN TUẤN ANH: BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ CÁC QUYỀN SỬ DỤNG KHÔNG GIAN TRÊN KHÔNG, KHÔNG GIAN NGẦM

Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhận định, Luật Đất đai là luật khó, mang tính chất chuyên môn sâu, phức tạp, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác trong cả nước. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo đã chỉnh lý, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của cơ quan thẩm tra, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và đông đảo ý kiến của cử tri và nhân dân. Qua quá trình tiếp thu ý kiến Nhân dân, dự thảo Luật lần này thực sự đã có nhiều thay đổi nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn để phát huy nguồn lực đất đai, đây là tài nguyên hữu hạn, không tự sinh sôi, nhưng là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Theo đại biểu, những nội dung trọng tâm được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội và các chuyên gia quan tâm thời gian qua gồm: định giá đất; tích tụ đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Do đó, cần làm rõ những căn cứ xác định giá đất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như quyền lợi của nhà nước và đối tượng được giao đất. Tuy nhiên, về mặt chính sách, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, tại Chương XI dự thảo Luật quy định tài chính về đất đai, giá đất… Đây là một trong những vấn đề khó để xác định chính xác được giá đất sát với giá trị trường và là vấn đề hết sức phức tạp do bản thân yếu tố thị trường luôn biến động.

Cơ bản đồng tình với nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất được quy định ở Điều 154, song đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ một số băn khoăn bởi nếu coi "Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực" là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất thì khó có thể có thông tin đầu vào chính xác, đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Dẫn chiếu thực tế cho thấy giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng, thường bằng và thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó đại biểu đề nghị nên coi “Kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất” cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Bày tỏ sự thống nhất với quy định của dự thảo luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương VII), tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ việc sử dụng ngân sách Nhà nước như một phương thức hỗ trợ người dân sau khi di dời, tái định cư có việc làm, thu nhập, điều kiện sống tốt hơn trước. Bởi, Nhà nước sẽ còn thu được ngân sách trong suốt vòng đời của dự án sử dụng những diện tích đất đó từ doanh nghiệp phát triển dự án hay doanh nghiệp sử dụng đất.

Đề cập đến vấn đề về đất sử dụng vào mục đích kinh doanh, thương mại hình thành từ việc lấn biển, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh thực tế hiện nay đã có một số địa phương cho phép doanh nghiệp lấn biển làm các công trình cảng, kho chứa, hình thành các khu đô thị, du lịch và dự báo xu thế này có thể gia tăng trong thời gian tới do lợi ích của việc lấn biển mang lại. Do đó, nên có quy định chặt chẽ về đất hình thành từ việc lấn biển. 

Đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay, các nội dung trong dự thảo Luật điều chỉnh về nội dung này còn chưa thực sự đầy đủ và bao quát về quy chế pháp lý của loại hình đất lấn biển. Tại Điều 187 và Điều 188 dự thảo Luật có đề cập đến cụm từ "tập trung" hay "tích tụ" đất nông nghiệp cũng như giải thích từ ngữ tại Điều 3 (Khoản 49 và 54). Đại biểu nêu rõ, đây là vấn đề lớn, cần phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm và có lẽ ở đây chỉ nên là một khái niệm vì đều dẫn đến tăng quy mô diện tích đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Trong dự thảo Luật, khoản 2 của Điều 187 và Điều 188 đều quy định về "các phương thức tập trung (hay tích tụ) đất nông nghiệp" cũng gần giống nhau như dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Tại khoản 3 của hai Điều trên đều ghi rõ “Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tập trung hay tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp (riêng với tích tụ thì có thêm quy định với quy mô phù hợp)”. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hoà nhận thấy, chỉ nên dùng một thuật ngữ “tập trung đất đai” cho cả hai trường hợp dự thảo Luật đề cập. Ngoài ra, để có thể vận hành thông suốt trong thực tiễn, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng cần chú ý tới tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật có liên quan như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các luật về xây dựng, quy hoạch, đấu thầu, kết cấu hạ tầng, quản lý công sản,…/.

Thế Hà

Các bài viết khác