ĐBQH NGUYỄN NGỌC SƠN: CÓ THỂ CHO PHÉP ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG KẾT NỐI LIÊN VÙNG GIỮA TỈNH KHÁNH HÒA, NINH THUẬN VÀ LÂM ĐỒNG

14/04/2023

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban KH, CN& MT, việc đầu tư xây dựng Dự án đường kết nối liên vùng tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cho địa phương và 2 tỉnh lân cận. Vì vậy, Quốc hội có thể cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong thực hiện Dự án...

DỰ ÁN ĐƯỜNG LIÊN VÙNG KẾT NỐI KHÁNH HÒA, NINH THUẬN VÀ LÂM ĐỒNG: RÀ SOÁT KỸ VIỆC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG VÀ HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ CHO NGƯỜI DÂN

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.

Để hiểu rõ hơn về sự cần thiết và các giải pháp hữu hiệu để thực hiện Dự án trên, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội- cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707. Đại biểu có thể cho biết về sự cần thiết của việc thực hiện Dự án này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn: Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1397/BC-UBKHCNMT15 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Thường trực Uỷ ban tán thành sự cần thiết đầu tư Dự án với 5 lý do. Cụ thể là:

Thứ nhất, Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng là một trong những dự án giao thông quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, Việc đầu tư Dự án sẽ phá vỡ thế độc đạo về giao thông đường bộ hiện trạng kết nối huyện Khánh Sơn, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ có tính kết nối liên vùng cao, kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, thể hiện rõ ở điểm đầu của Dự án kết nối vào Quốc lộ 27C (đi tỉnh Lâm Đồng), điểm cuối của Dự án kết nối với tuyến Đường tỉnh ĐT.707, tỉnh Ninh Thuận.

Khi Dự án được đầu tư, hoàn thành sẽ hình thành một trục giao thông theo hướng Bắc – Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Khánh Hòa kết nối với trục giao thông cũng theo hướng Bắc – Nam (đường tỉnh ĐT.707). Trục giao thông nêu trên kết nối đồng bộ với mạng lưới quốc lộ theo hướng Đông – Tây hiện hữu (các Quốc lộ 27, 27B, 27C) đã hình thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ phía tây tỉnh Khánh Hòa qua đến phía tây tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Lâm Đồng, hình thành tuyến đường giao thương có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giữa các tỉnh; tạo thuận lợi cho việc kết nối các đầu mối giao thông về hàng không (sân bay quốc tế Cam Ranh), về hàng hải (cảng biển ở Khu kinh tế Vân Phong, Nha trang), về đường sắt (đường sắt Bắc- Nam) của 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.


Tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.

Tuyến đường mang tính kết nối liên vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, khai thác tiềm năng phát triển du lịch như Thác Yang Bay (Khánh Vĩnh) và thác Tà Gụ (Khánh Sơn), tạo cơ hội liên kết các tỉnh trong vùng, phát triển thành các “vùng du lịch”, kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa theo đặc trưng riêng của mỗi địa phương, góp phần cụ thể hóa được mục tiêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị và định hướng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030 phát triển huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của tỉnh Khánh Hòa.

Thứ ba, Huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 02 huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, là các huyện nghèo thuộc Danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số; điều kiện sinh sống còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên hơn 45% dân số; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh. Dự án được đầu tư dự kiến giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, góp phần ổn định đời sống dân cư, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người dân trên địa bàn 02 huyện so với toàn tỉnh, phù hợp nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị.


Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đi khảo sát thực tế hướng tuyến, một số điểm kết nối, khu vực phải di dân, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án.   

Thứ tư, việc đầu tư xây dựng bổ sung tuyến đường mới kết nối đến huyện Khánh Sơn góp phần tăng cường an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện chủ động trong các tình huống cấp thiết; liên kết giao thông, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi xử lý các tình huống phát sinh về đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và  các địa phương lân cận (tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Ninh Thuận) và rộng hơn là cả khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Thứ năm, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có quyết tâm rất cao trong việc bố trí số vốn dự phòng trung hạn để đầu tư cho phần vốn đối ứng thực hiện dự án (kể cả phần tăng thêm, nếu có).    

Phóng viên: Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Dự án được thực hiện theo cơ chế đặc biệt là giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công. Vậy Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định và có ý kiến như thế nào về đề nghị này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn: Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép Dự án được thực hiện theo cơ chế đặc biệt để có thể triển khai Dự án một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả thiết thực cho tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bản đảm an ninh quốc phòng, nhất là đáp ứng sự mong mỏi của bà con dân tộc thiểu số. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành đề xuất của Chính phủ, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong thực hiện Dự án vì 03 lý do đã nêu trong Báo cáo thẩm tra. Đó là:

Một là: Dự án có tiêu chí diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng lớn hơn 50ha thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Dự án chỉ thuộc nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công, quy mô về vốn đầu tư không lớn, thuộc loại công trình giao thông cấp III, mức độ kỹ thuật thi công không phức tạp. Do đó, việc áp dụng các quy định theo pháp luật về đầu tư công cho Dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sẽ mất rất nhiều thời gian, lãng phí nguồn lực, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Hai là: Việc áp dụng cơ chế đặc biệt cũng đã được Quốc hội cho phép triển khai đối với một số dự án quan trọng quốc gia như: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Ba là: Tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự hoặc lớn hơn. Trường hợp được phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong tổ chức thực hiện dự án tương tự dự án nhóm A nêu trên sẽ tạo điều kiện rất lớn cho địa phương triển khai dự án nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng mục tiêu dự án và sử dụng hiệu quả nguồn vốn được Trung ương quan tâm bố trí.

Phóng viên: Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất khiến người dân thuộc diện phải di dời để thực hiện Dự án là việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, việc làm, sinh kế ổn định cho người dân. Vậy Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có sự chỉ đạo Chính phủ, các Bộ ngành liên quan lưu tâm và thực hiện như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn: Ngày 11/4/2023, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường  đã tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát thực tế hướng tuyến, một số điểm khống chế của Dự án; một số khu vực có diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng, khu vực phải di dân, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án.     

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ của Dự án khoảng 128,96 ha, trong đó đa số là đất rừng là 84,52ha, chiếm khoảng 65,5%; tổng diện tích đất nông nghiệp (37,18 ha), đất ở (7,26 ha) chỉ chiếm 34,5% tổng diện tích của Dự án. Dự án có 211 hộ ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu, công trình..., trong đó có 11 hộ phải bố trí tái định cư. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 211 hộ bị ảnh hưởng chỉ chiếm 5,23% tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án là không lớn và không quá phức tạp. Hơn nữa, việc tái định cư là phân tán, dự kiến sử dụng hạ tầng các khu tái định cư hiện có của địa phương hoặc các quỹ đất do nhà nước quản lý, không xây dựng khu tái định cư riêng cho Dự án.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chính sách dân tộc theo đúng quy định, nghiên cứu có phương án tạo việc làm, chuyển đổi nghề, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho người dân bị ảnh hưởng phù hợp, ổn định, lâu dài.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác