ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NGÀNH TƯ PHÁP

21/03/2023

Đánh giá cao thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội hy vọng những cam kết của các trưởng ngành sẽ sớm được thực hiện, qua đó các biện pháp hữu hiệu, khả thi sẽ được triển khai một cách đồng bộ, nhất quán để nâng cao hiệu quả hoạt động ngành tư pháp trong thời gian tới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 20/3: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN THUỘC LĨNH VỰC KIỂM SÁT

Sau một ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước. Nhiều giải pháp cho các vấn đề nóng đã được đưa ra, đáp ứng yêu cầu của thực tế cũng như mong mỏi của người dân.

Trực tiếp tham dự phiên chất vấn, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội hy vọng những cam kết của các trưởng ngành sẽ sớm được thực hiện, qua đó các biện pháp hữu hiệu, khả thi sẽ được triển khai một cách đồng bộ, nhất quán để nâng cao hiệu quả hoạt động ngành tư pháp trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội

Phóng viên: Ngay từ khi công bố nội dung chất vấn, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đông đảo cử tri cả nước. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự phù hợp, kịp thời trong việc lựa chọn nội dung chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Tôi đặc biệt đánh giá cao cách lựa chọn vấn đề chất vấn lần này. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngành tòa án và ngành kiểm sát có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Việc lựa chọn chủ đề chất vấn đã được xem xét, nghiên cứu rất kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, xuất phát từ tình hình thực tế và thống kê việc trả lời chất vấn, vì vậy, các chủ đề chất vấn đã chạm đến những điểm nóng trong tình hình thực tế, đồng thời cũng phù hợp với các công việc hiện đang được Quốc hội, Chính phủ triển khai. Nhờ lựa chọn chủ đề đúng và trúng, ngay tại phiên chất vấn, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như câu trả lời của các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã kịp thời đề cập đến nhiều nội dung công tác đang được song song thực hiện như việc sửa đổi Luật Đất đai, việc tiến hành giám sát của các cơ quan dân cử, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy trình, thủ tục xét xử phiên tòa trực tuyến… Từ đó có thể thấy, phiên chất vấn không chỉ tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt công tác của ngành tư pháp, mà còn đồng thời lan tỏa sức ảnh hưởng nhiều mặt đến các nội dung, lĩnh vực công tác khác của các cơ quan trong thời gian tới.

Một trong những nội dung chất vấn mà tôi và các đại biểu Quốc hội khác dành nhiều sự quan tâm là việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về việc tổ chức xét xử linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong nhiều trường hợp đặc biệt khác, Quốc hội đã biểu quyết thông qua và ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên việc tổ chức phiên tòa trực tuyến vẫn còn bất cập do nhiều tòa án chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ, chưa đạt yêu cầu.

Đây là nội dung quan trọng trong việc từng bước cải cách nền tư pháp nước nhà hiện đại, hội nhập đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn nội dung này là rất đúng đắn, kịp thời, đảm bảo có những điều chỉnh, tháo gỡ phù hợp để công tác này đạt được hiệu quả đúng như kỳ vọng đặt ra khi ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15.

Phóng viên: Qua theo dõi phiên chất vấn, đại biểu có hài lòng với phần trả lời chất vấn của các trưởng ngành?

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Tôi tương đối hài lòng với các câu trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng như Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các vấn đề được nêu trong phiên chất vấn. Các trưởng ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, cầu thị, thẳng thắn, nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, không vòng vo, né tránh, phân tích đến cùng vấn đề từ đó đưa ra những giải pháp khả thi, xác đáng với nhiều vấn đề khúc mắc mà các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận quan tâm.

Những giải pháp, cam kết, định hướng mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra tại phiên họp này cũng thể hiện tinh thần hành động mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm của các trưởng ngành, được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri ghi nhận và giám sát thực hiện sau phiên chất vấn.

Phiên chất vấn nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước

Riêng đối với nội dung về xét xử phiên tòa trực tuyến, bên cạnh kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến để Chính phủ cấp kinh phí cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện dự án Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên toà trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã nêu nhiều giải pháp khác thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực ứng phó với khó khăn, chẳng hạn như phối hợp các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp…, đặc biệt là đề nghị Bộ Công an sớm bảo đảm nguồn lực triển khai lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho xét xử trực tuyến tại các cơ sở giam giữ; tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng xét xử trực tuyến cho các Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân; trao đổi, học tập kinh nghiệm và tận dụng các nguồn lực quốc tế về tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến.

Hay như các giải pháp đồng bộ được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cáo Lê Minh Trí đưa ra để nâng cao chất lượng công tác giám định trong vụ án hình sự thời gian tới là cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc cử người tham gia giám định đảm bảo chất lượng và kịp thời; cơ quan yêu cầu giám định phải rõ ràng về nội dung yêu cầu giám định và phù hợp với điều kiện thực tế; cần nghiên cứu có cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với các giám định viên. Bên cạnh đó, cần xem xét nghiên cứu quy định về thời hạn trả kết quả giám định để đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án; tránh việc để như vụ án “gỗ trắc ở Quảng Trị”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định là “sai” nhưng do mãi vẫn không có kết quả giám định để xử lý tiếp. Tôi đánh giá cao những giải pháp thiết thực này và mong muốn việc thực hiện sẽ tạo được hiệu quả nhanh chóng trong thực tiễn.

Bên cạnh các câu trả lời của các vị Trưởng ngành, Bộ trưởng, tôi cho rằng thành công của phiên chất vấn một phần đến từ chính các đại biểu Quốc hội với những câu hỏi phản ánh sát với diễn biến thực tế của đời sống, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Chính không khí chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, chân thành, dân chủ, tinh thần nhiệt huyết từ hội trường Diên Hồng tới 62 điểm cầu trên cả nước, đã khiến cho phiên chất vấn tạo được sự tương tác, đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, qua đó lan tỏa mạnh mẽ thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, tạo luồng sinh khí sống động cho hoạt động nghị trường.

Phóng viên: Với những vấn đề đã đặt ra từ phiên chất vấn, đại biểu có đề xuất thêm những giải pháp nào nhằm nâng cao chất lượng công tác ngành tòa án và ngành kiểm sát trong thời gian tới?

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành tòa án và ngành kiểm sát trong thời gian tới, tôi cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, tích cực chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần vào sự phát triển kinh tế trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề có nhận thức chưa thống nhất. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành. Tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp.

Ngoài ra, chất lượng công tác của ngành phụ thuộc vào chất lượng cán bộ, vì vậy, cần chú trọng công tác cán bộ và tập trung thực hiện các biện pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn công tác.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Hồ Hương

Các bài viết khác