GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VỀ CÁCH THỨC TỔ CHỨC KỲ THI TUYỂN SINH RIÊNG TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

23/02/2023

Công bố phương thức tuyển sinh năm 2023, một số cơ sở giáo dục đại học cho biết sẽ mở thêm các kỳ thi tuyển sinh riêng bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 để xét tuyển đầu vào đại học. Trao đổi về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng tại các cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2023. Theo đó, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, một số cơ sở giáo dục đại học còn mở thêm các kỳ thi tuyển sinh riêng để xét tuyển đầu vào đại học. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đặt ra nhiều lo ngại về đề thi của các kỳ thi riêng hiện nay như về chất lượng đề, tính đúng sai, tính khách quan, công bằng minh bạch, hay tính bảo mật đề thi…

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc mỗi trường tự tổ chức một kỳ thi riêng, tự ra đề thi tự chấm thi, sẽ khó quy trách nhiệm cụ thể về việc đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch của kỳ thi. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi các thí sinh và cả chất lượng chung của hệ thống giáo dục đại học. Cho rằng mỗi cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ trong việc tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, tuy nhiên đại biểu cho rằng nên có sự định hướng chung, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cách thức tổ chức hay tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo đó, cần thiết phải ban hành một quy chế cho kì thi riêng, các cơ sở đào tạo muốn tổ chức thi riêng phải đạt yêu cầu theo quy chế này. Đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải rà soát lại các cơ chế chính sách cho giáo dục đại học, từ đó xem xét các có lỗ hổng hay nội dung còn chưa chặt chẽ, đồng thời tham mưu với Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, từ đó có bổ sung và chỉnh sửa cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để có những hướng dẫn về khung chung, quy chế thi đầu vào chung cho hệ thống đại học cả nước, bởi chất lượng đầu vào của mỗi cơ sở đều có tác động tới chất lượng chung của hệ thống giáo dục đại học cả nước.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu,  hiện chưa có quy chế cho các kỳ thi riêng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét yêu cầu các trường tạm dừng tổ chức kỳ thi riêng để bổ sung các cơ chế, quy chế tuyển sinh chặt chẽ, vì để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì khi sự đã rồi việc xử lý sẽ rất khó khăn do không có nền tảng để xử lý.

Nhấn mạnh việc xây dựng quy chế cho các kỳ thi riêng là điều cần thiết, cần được làm ngay để nhanh chóng phát huy hiệu quả, đại biểu cũng lưu ý thời gian chờ lấy ý kiến ở các trường cũng rất lâu, do vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo trước hết cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về tổ chức kỳ thi riêng và ra đề thi riêng về một số nội dung quan trọng, đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Chia sẻ về các kỳ thi tuyển sinh riêng ở các cơ sở giáo dục đại học, TS.Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng việc tổ chức các kỳ thi này sẽ làm nảy sinh các dịch vụ thi cử; tạo cơ hội cho các trung tâm, lò luyện thi ra đời, làm nảy sinh tình trạng dạy thêm học thêm…, nên những lo ngại hiện nay của dư luận đối với tình trạng các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hiện giáo dục đại học đang thực hiện theo cơ chế tự chủ, các trường đại học chủ động trong việc xét tuyển đầu vào của mình và các đơn vị có trách nhiệm giải trình với xã hội.

TS.Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, trong trường hợp này Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định khung chung cho các cơ sở giáo dục đại học, từ đó các đơn vị chủ động thực hiện tại cơ sở dựa trên khung chung đã được đề ra. Hiện nay, Điều 12 trong Quy chế tuyển sinh đại học có một điều khoản quy định một số nội dung liên quan đến việc tổ chức bài thi riêng. Nội dung quy định chủ yếu sơ lược một số điểm liên quan đến lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển.

TS.Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, về cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể quy định khung chung mang tính nguyên tắc, vì mỗi trường đào tạo một ngành, lĩnh vực khác nhau, với đặc thù khác nhau, nên cần căn cứ vào khung chung đó để thiết kế phương pháp và môn thi cho phù hợp. Tuy nhiên, điều này cũng rất dễ làm nảy sinh tình trạng một số đơn vị vì muốn tuyển sinh được nhiều, đặc biệt những ngành khó tuyển mà chọn tổ chức thi đầu vào dễ, điểm càng cao càng tốt, dẫn đến thí sinh vào trường không phải do năng lực học tập thật sự.

Bên cạnh đó, việc thanh tra kiểm tra các kỳ thi riêng của từng cơ sở tổ chức thi rất khó, trên tinh thần tự chủ đại học, chúng ta kỳ vọng và mong muốn các cơ sở giáo dục đại học phải tự mình nêu cao trách nhiệm giải trình, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng.

Để hạn chế tình trạng các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở” với nhiều nghi vấn về chất lượng và tính minh bạch như hiện nay, TS.Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm tổ chức các kỳ thi tuyển đánh giá năng lực tổng hợp thay vì để nhiều cơ sở tổ chức như hiện nay, vừa thiếu thước đo chung mặt bằng chất lượng, vừa giảm hiệu quả kinh tế. Kết quả kỳ thi đó có thể dùng để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học để phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chuyển mạnh từ truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực. Ngoài ra, đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần đồng bộ với đổi mới phương pháp dạy-học và với thi kiểm tra đánh giá cũng như chính sách xét tuyển vào đại học.

Minh Hùng

Các bài viết khác