GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ MỘT TƯ DUY MỚI VỀ CÔNG VIÊN VÀ KHÔNG GIAN TIỆN ÍCH CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

23/12/2022

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, cần có một tư duy mới về công viên nói riêng và không gian tiện ích của Thủ đô nói chung. Với nguồn lực hiện có, với cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội đã trao cho Hà Nội và sự đóng góp bằng tinh thần, bằng trí tuệ của người dân, đủ sức tạo ra không gian xanh, công viên xứng tầm

ĐBQH ĐỖ CHÍ NGHĨA: MỞ CỬA TRƯỜNG HỌC GÓP PHẦN PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI
ĐBQH ĐỖ CHÍ NGHĨA: TỰ CHỦ BỆNH VIỆN VẪN PHẢI ĐẢM BẢO NGƯỜI NGHÈO Ở BẤT CỨ ĐÂU VẪN ĐƯỢC CHĂM SÓC TỐT VỀ Y TẾ

Từ ngày 1/1/2023, người dân vào Công viên Thống nhất không phải mua vé

Sau những phản ánh của người dân, công luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 22/12 vừa qua, hàng rào công viên Thống Nhất, thành phố Hà Nội bắt đầu được gỡ bỏ, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/12/2022 để phục vụ kết nối với không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông - hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) sắp được khai trương.

Trước đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội dừng bán vé vào công viên Thống Nhất từ ngày 1/1/2023, với lý do doanh thu không đủ chi cho nhân viên bán vé.

Với động thái này của cơ quan chức năng, người dân Thủ đô đón nhận khá tích cực nhưng vẫn còn đó những băn khoăn về lý do mà cơ quan chức năng đưa ra. Bởi công viên là không gian công cộng nhưng lại thu vé vào cửa, khiến người dân không đồng tình, được dư luận phản ánh trong thời gian dài. Đặc biệt, việc bán vé vào cổng Công viên Thống Nhất được cho là không hợp lý khi "thu phí quần dài, miễn phí quần đùi". Người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà thì đi qua cổng tự do, không phải mua vé. Trong khi đó, người mặc quần áo nghiêm chỉnh hay học sinh mặc đồng phục lại phải có vé mới được vào Công viên Thống Nhất.

 

Cử tri Nguyễn Thị Lan, quận Ba Đình, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Lan, cử tri quận Ba Đình, Hà Nội nêu ý kiến: “Khi vào công viên tôi thấy nhiều hạng mục xuống cấp, sập xệ nhưng lại thu phí thì không hợp lý. Mặc dù giá vé rẻ, chỉ vài nghìn đồng nhưng việc thu phí khiến người dân ngần ngại không muốn vào công viên. Tôi cho rằng, không nên thu phí người dân ra vào công viên, vì đây là không gian công cộng, để người dân Thủ đô vui chơi, giải trí, tập thể dục nâng cao sức khỏe tinh thần và thể lực”.

Cùng là nơi vui chơi, giải trí công cộng cho người dân nhưng tại sao có nơi bán vé thu phí, có nơi lại miễn phí, vào cửa tự do? Nhìn rộng ra cả nước, nhiều địa phương không thu phí vào nơi công cộng như công viên, vườn hoa, tại sao một số công viên ở Hà Nội lại bán vé, thu phí.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, công viên là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị, bởi đây những “lá phổi”, là nơi để người dân được hưởng thụ và được thư giãn, được chứng kiến sự phát triển của thành phố, của Thủ đô.

Đại biểu lấy làm tiếc thời gian qua nhiều công viên chậm tiến độ, thường được xây sau vì lợi nhuận của công viên mang lại cho nhà đầu tư không cao, trong khi sự giám sát của chính quyền lại hạn chế.

Bên cạnh đó, đối với những công viên đã được xây dựng cũng xuống cấp, nhiều nhà đầu tư “nhăm nhe” biến khu đất vàng này thành những dự án dịch vụ hoặc nhà ở. Nếu không có sự ngăn cản của công luận có khi những ý tưởng đó đã thành hiện thực. Hơn nữa, việc sử dụng, khai thác công năng của công viên còn chưa đồng bộ, có công viên mở cửa cho người dân vào tự do, nhưng có nhiều công viên ngăn trở và thu phí, dẫn đến sự bất bình đẳng.

Đại biểu cho rằng, không cần học đâu xa, ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, các công viên không có cổng, không có cửa, không có hàng rào, bốn phía người dân đều có thể vào. Bởi đây là không gian xanh để được hưởng thụ, để cảm nhận sự tự do, điều này thể hiện bản sắc của đô thị lớn và hiện đại và văn minh.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, không thể lấy lý do an ninh để dựng hàng rào, làm cửa ra vào, bởi một cái cổng không giải quyết được vấn đề an ninh, mà là mỗi người dân có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ an ninh, trật tự. Chúng ta không thiếu gì những giải pháp, biện pháp phòng ngừa, công viên càng thoáng, càng sáng, càng nhiều người thì càng ít tội phạm, ít tệ nạn. Ngược lại công viên càng tối, càng khuất, càng ngăn trở, người dân ngần ngại vào đó thì đây lại là mảnh đất, khoảng tối của những tệ nạn xã hội.

Theo thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 70 vườn hoa và công viên. Trong đó, 4 công viên do thành phố quản lý gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình. Điều đáng nói, trong khi người dân thiếu nơi vui chơi giải trí, luyện tập thể thao thì nhiều khu công viên nằm ở vị trí đắc địa tại Hà Nội lại đang bỏ hoang, thậm chí bị người dân lấn chiếm (như tại công viên Tuổi trẻ), gây lãng phí lớn về tiền của và quỹ đất của thành phố.  Từ cuối năm 2021, thành phố đã có kế hoạch đầu tư cải tạo các công viên này nhưng việc cải tạo còn gặp nhiều khó khăn. Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều đang chậm tiến độ.

Trước thực trạng công viên ở Thủ đô Hà Nội bỏ hoang, xuống cấp, thậm chí sử dụng sai mục đích, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, đó là một sự lãng phí rất lớn, và mọi sự lãng phí đều rất đáng tiếc, cần phải khắc phục. Những lãng phí đó có nhiều nguyên nhân từ lịch sử, nguồn lực, nhìn nhận đánh giá, nhưng đã đến lúc cần bắt tay vào làm cho tốt hơn, cần hướng đến tương lai quan trọng hơn thay vì mổ xẻ theo hướng không giải quyết được gì.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, cần có một tư duy mới về công viên nói riêng và không gian tiện ích của Thủ đô nói chung. Phát triển kinh tế là trọng tâm nhưng cũng luôn nhớ rằng văn hóa là nền tảng đặc biệt là Hà Nội - Thủ đô của chính trị, văn hóa và khi nghĩ về Hà Nội là nghĩ về văn hóa Tràng An thanh lịch, muốn vậy cần phải có hạ tầng tương xứng.

Đại biểu tin tưởng, với nguồn lực của Hà Nội, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, với cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội đã trao cho Hà Nội và sự đóng góp bằng tinh thần, bằng trí tuệ của người dân Thủ đô thì Hà Nội đủ sức tạo ra không gian xanh, công viên xứng tầm không những để cho người Hà Nội thưởng ngoạn, mà du khách bốn phương có thể tìm đến như là không gian mang tính đặc thù của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Điều quan trọng nhất đó là quan điểm coi không gian tiện ích như nguồn lực phát triển của thành phố; hay nhìn nó như nguồn lợi trước mắt cho cho một số cá nhân, đơn vị khai thác, mở dịch vụ thu tiền ngay cho ngân sách của địa phương. Đây là bài toán cần giải quyết tổng thể từ tư duy của người lãnh đạo cao nhất thành phố; đồng thời cần sự hiến kế, giám sát, vào cuộc của cả người dân, của công luận để Thủ đô phát triển đúng hướng và xứng với tiềm lực sau hơn 30 năm đổi mới, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ./.

Lan Hương