ĐBQH NGUYỄN THÀNH CÔNG: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ QUY HOẠCH ĐẤT CÓ DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA

19/12/2022

Góp ý vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Đại biểu Nguyễn Thành Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị dự thảo cần quy định về quy hoạch đất có di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa.

UBTVQH NHẤT TRÍ TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐẾN HẾT NGÀY 15/3/2023

ĐBQH NGUYỄN QUỐC LUẬN: CẦN QUY ĐỊNH RÕ CÁC CHÍNH SÁCH VỀ ĐẤT ĐAI ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Đại biểu Nguyễn Thành Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Đại biểu Nguyễn Thành Công, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh là một trong những nhiệm vụ nhằm phát triển văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam có 25 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 4 di sản thiên nhiên và văn hóa vật thể. Bên cạnh đó, còn có khoảng 40.000 di tích được thống kê, trong đó 112 di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt; 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 10.109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo các di sản là vấn đề luôn cần được quan tâm, chú trọng, đòi hỏi những chính sách quy định cụ thể, đồng bộ, không chỉ trong pháp luật chuyên ngành như Luật Di sản văn hóa mà cả pháp luật có liên quan, như Luật Đất đai.

Theo Đại biểu Nguyễn Thành Công, trong Luật Đất đai đã có quy định phân loại đất di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh là một loại đất riêng trong nhóm đất phi nông nghiệp, đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 68 và quy định chế độ sử dụng đối với loại đất này tại Điều 212 trong dự thảo.

Tuy nhiên, qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và tìm hiểu, đại biểu nhận thấy việc quản lý, sử dụng loại đất này vẫn còn một số bất cập cần được khắc phục như sau:

Thứ nhất, về quy hoạch đất có di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Thực tế, hiện nay có tình trạng khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã được xác định nhưng có xen lẫn các hộ dân sinh sống trong khu vực di tích. Điều này một mặt ảnh hưởng tới giá trị và tính toàn vẹn của di tích. Mặt khác, cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực di tích.

Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Do đó, Đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị trong dự thảo cần có quy định về quy hoạch đất có di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Theo đó, thông qua quy hoạch sử dụng đất, cần xác định khu vực bảo vệ 1, gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích phải được bảo vệ nguyên trạng. Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh khu vực bảo vệ 1 của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích, nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về di sản với cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, trong việc quản lý đất có di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh.

Thứ hai, về phân bổ chỉ tiêu, quy hoạch sử dụng đất, nhằm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn di sản. Đại biểu Nguyễn Thành Công cho biết, các địa phương có di sản văn hóa luôn tự hào và xác định trách nhiệm phải bảo tồn, gìn giữ các di sản, góp phần làm giàu bản sắc dân tộc, gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, khi diện tích cần bảo tồn quá lớn thì lại ảnh hưởng đến dư địa phát triển của địa phương. Ninh Bình là một trong những tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn và phát huy.

Hiện cả tỉnh có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 81 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 228 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng đậm chất dân gian, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng là Khu du lịch sinh thái Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư và núi Non Nước. Ngoài ra còn có Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, diện tích các khu vực cần bảo tồn tương đối lớn, khoảng 22,6%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất khu công nghiệp được phân bổ cho địa phương cũng chỉ ở mức tương tự như các tỉnh, thành phố khác, dẫn đến địa phương khó khăn trong quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Khu du lịch sinh thái Tràng An - Tam Cốc - Bích Động​, tỉnh Ninh Bình.

Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo cần làm rõ nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua, quyết định. Trong đó, cần có nguyên tắc phân bổ phù hợp để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thứ ba, về cân đối giữa mục tiêu bảo tồn di sản và bảo đảm đời sống cho người dân trong vùng di sản. Đại biểu Nguyễn Thành Công cho rằng đây hiện là bài toán khó với nhiều địa phương, năm 2013 chúng ta đã chứng kiến câu chuyện hy hữu khi 78 hộ dân tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đồng loạt ký đơn gửi các cơ quan chức năng để xin trả lại di tích quốc gia.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiều hộ gia đình với nhiều thế hệ phải sống trong điều kiện chật chội, bởi diện tích nhỏ hẹp của những ngôi nhà cổ mà không được phép cải tạo, xây dựng, tránh phá vỡ không gian kiến trúc cổ của ngôi nhà. Không chỉ tại Đường Lâm, trên cả nước hiện vẫn có rất nhiều khu di tích, danh thắng, khu vực cần bảo tồn có người dân sinh sống, như Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An trong vùng lõi có tới 14.000 người dân sinh sống, họ là những hộ gia đình đã tồn tại lâu đời, từ trước khi di sản được công nhận. Đây là nét đặc biệt của khu di sản nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với tỉnh Ninh Bình trong việc bảo tồn, gìn giữ tính nguyên vẹn của di sản. Thực tế, rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu về việc sửa chữa nhà cửa hoặc có nhu cầu về đất ở khi con cái trưởng thành, tuy nhiên, địa phương muốn giải quyết những nhu cầu chính đáng này của nhân dân hay muốn di dời các hộ dân ra khỏi vùng di sản thì gặp khó khăn do còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị dự thảo Luật Đất đai cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản cũng như bổ sung quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong trường hợp phải di dời ra khỏi khu vực di sản./.

Trọng Quỳnh