ĐBQH ÂU THỊ MAI: KỲ VỌNG ĐỔI MỚI TRONG XÂY DỰNG THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO VĂN HOÁ

16/12/2022

Ngày 17/12i, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ chính thức khai mạc. Mọi công tác chuẩn bị cho Hội thảo đến nay đã hoàn tất. Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang kỳ vọng, từ Hội thảo này, Quốc hội, Chính phủ sẽ có cách tiếp cận mới để xây dựng thể chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá trong thời gian tới.

CÔNG BỐ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022''

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về quy mô và chủ đề của Hội thảo?

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Xét về quy mô, tôi cho rằng, đây là Hội thảo về văn hoá lớn nhất từ trước đến nay mà Quốc hội Việt Nam từng tổ chức, nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; đồng thời, tạo diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa (ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ, nghệ nhân...

Chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” cũng hết sức phù hợp với bối cảnh nước ta hiện nay, bởi việc tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hoá đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rất rõ trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, đó là: “việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, văn hoá chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, thể chế, chính sách là những yếu tố rất quan trọng để phát triển văn hóa. Quan điểm của đại biểu như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Ngay từ khi tiến hành đổi mới và trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định và luôn coi trọng vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, trọng tâm là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, coi đây là nhiệm vụ, yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết, điều đó được thể hiện rõ trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) "về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Kế thừa nội dung các văn kiện, nghị quyết, văn kiện, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung 5 (Khóa XIII), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”,…

Đặc biệt tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tháng 11 năm 2021, trong các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đó là: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”,…

Từ những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Quốc, Chính phủ đã ban hành hệ thống pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thực hiện công tác bảo tồn và phát triển văn hóa, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ và nguồn lực chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra, vì vậy trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, việc thể chế chính sách là yếu tố rất quan trọng để văn hoá phát triển bền vững.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì ở Hội thảo Văn hóa 2022 năm nay ?

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Cùng với chính trị và kinh tế, văn hoá Việt Nam giữ một vai trò và vị trí trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, hiện nay sau hơn ba thập kỷ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Yêu cầu to lớn và nhiệm vụ nặng nề đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục hoạch định phương hướng vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa có ý nghĩa cấp bách nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam ngang tầm công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong tầm nhìn tới năm 2045, bởi sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ được đánh giá bằng tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trong nước mà còn bằng cách chỉ số: thu nhập cao, giáo dục tốt, sức khoẻ và dinh dưỡng ở mức cao, nghèo khổ thấp, môi trường trong sạch, có cuộc sống văn hoá cao... Nhưng rõ ràng, mức đầu tư cho phát triển văn hoá ở nước ta lâu nay vẫn còn chưa thực sự xứng tầm, chưa được đặt ngang hàng với chính trị và kinh tế.

Tôi tin tưởng rằng, thông qua báo cáo, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước tại Hội thảo, Quốc hội, Chính phủ sẽ có cách tiếp cận mới để xây dựng thể chế, chính sách phù hợp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư (bao gồm nguồn lực về con người, nguồn lực tài chính) cho phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự là “sức mạnh nội sinh” góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương