QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Quốc hội đã tập trung thảo luận về những nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi của Luật; bố cục của dự thảo Luật; sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên;
Đồng thời Dự án luật cũng quy đinh rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; gửi nhận thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; công chứng, chứng thực điện tử; tài khoản định danh điện tử; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử…
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đặc biệt, việc sửa đổi luật lần này nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 25/NQTW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên không gian mạng. Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu cho ý kiến vào một số vấn đề sau:
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu
Thứ nhất, Dự thảo luật chỉ quy định những nguyên tắc chung để làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp truyền thống vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 1 đề nghị bổ sung cụm từ "điện tử" vào sau cụm từ "giao dịch" cho thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật là quy định về giao dịch điện tử. Cụ thể, luật này không quy định về nội dung của giao dịch điện tử, luật khác quy định giao dịch điện tử không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của luật đó.
Thứ ba, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về các đối tượng chịu áp dụng quy định tại Điều 2 của dự án Luật Giao dịch điện tử.
Thứ tư, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh nội dung tên Chương III của dự thảo cho phù hợp và đầy đủ. Bởi vì các nội dung được quy định tại Chương III, ngoài các quy định về dịch vụ tin cậy còn có các quy định về chữ ký điện tử. Đồng thời, điều chỉnh nội dung tên Chương VII của dự thảo luật cho phù hợp với nội dung, quy định của chương. Cụ thể, đề nghị điều chỉnh thành chương quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, thực hiện giao dịch điện tử. Theo đó, đề nghị đưa nội dung quy định tại Điều 50, 51 quy định chung tại chương này.
Thứ năm, tại khoản 3 Điều 29 của Dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn đối với loại hình dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Bởi vì theo như khoản 1 điều này thì dịch vụ tin cậy chỉ bao gồm có 3 loại dịch vụ, đó là dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu và dịch vụ chữ ký số công cộng. Mặt khác, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về khái niệm "chứng thực" để tránh nhầm lẫn với quy định về chứng thực được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về các bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về chứng thực thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, tại Điều 30 dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ dịch vụ cấp dấu thời gian gồm những dịch vụ gì.