ĐẠI BIỂU TRẦN THỊ HỒNG THANH: CÂN NHẮC HẠN CHẾ MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI MỘT SỐ LĨNH VỰC

11/11/2022

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật và việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh.

TỔNG THUẬT SÁNG 11/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và cho rằng những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật về cơ bản đã hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 và cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm giao dịch điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Đại biểu cho rằng việc mở rộng như vậy là phù hợp trong điều kiện hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất về giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đồng thời việc tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực của đời sống sẽ tiết giảm, tiết kiệm được chi phí.

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch. Đồng thời, cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh.

Đại biểu lý giải, đối với các thủ tục này, hiện nay vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, sự có mặt là cần thiết để thể hiện ý chí cá nhân một cách tự nguyện, không bị áp đặt hoặc chi phối bởi người khác; một số giấy tờ có thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn.

Góp ý về quy định tại điểm d khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật: "Trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có số lượng người sử dụng có số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoạt động hàng tháng từ 1 triệu trở lên hoặc có số lượng truy cập hàng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam từ 10 triệu trở lên, liên tục trong 6 tháng thì phải định kỳ hàng năm chủ động rà soát, đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về các vụ việc để xảy ra hoặc dấu hiệu nguy cơ lợi dụng hệ thống thông tin do doanh nghiệp mình cung cấp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Các đại biểu tại hội trường Diên Hồng

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, quy định này còn chung chung, chưa làm rõ phạm vi, mức độ chi tiết của thông tin được báo cáo, nhất là việc xác định thế nào là dấu hiệu nguy cơ lợi dụng hệ thống thông tin do doanh nghiệp mình cung cấp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Nếu dự thảo luật không quy định rõ phạm vi, mức độ chi tiết của thông tin được báo cáo thì việc này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến thông tin cá nhân của người dùng cũng như các bí mật trong kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định này theo hướng làm rõ phạm vi của nghĩa vụ này trong dự thảo luật.

Qua khảo sát triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong thực tiễn, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn một số nội dung mà hiện nay trong dự thảo luật chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ để có cơ sở pháp lý đảm bảo thực hiện thống nhất, khả thi, hiệu quả giao dịch điện tử trong thực tiễn.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung vào Chương I quy định về các quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử. Bởi vì, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định về quy trình, thủ tục và các vấn đề khác có liên quan làm cơ sở để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử, nhưng dự thảo luật chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân này khi thực hiện giao dịch điện tử có những quyền gì và có những trách nhiệm, nghĩa vụ gì. Việc bổ sung điều luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ ràng về các cấp độ an toàn của chữ ký điện tử và các khái niệm, điều kiện của từng loại chữ ký, các trường hợp sử dụng các loại chữ ký điện tử tương ứng.

Về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, đại biểu đề nghị bên cạnh quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, nên có quy định đối với một số loại hình giao dịch điện tử quan trọng, phổ biến khác của giao dịch điện tử liên quan đến các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia, như giao dịch điện tử trong hành chính và dịch vụ công thương mại điện tử, giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Do vậy, cần có các quy định riêng hoặc có những quy định cơ bản có tính nền tảng về các loại giao dịch này làm cơ sở quy định cụ thể hơn trong các văn bản dưới luật.

Về tranh chấp và xử lý vi phạm, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trường hợp thông tin vi phạm trên nền tảng số được bắt nguồn từ người sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp nền tảng số sẽ không phải chịu trách nhiệm về thông tin được lưu trữ theo yêu cầu của người nhận dịch vụ. Quy định chi tiết biện pháp khắc phục, xử lý trong trường hợp xảy ra thông tin vi phạm để hỗ trợ các nhà cung cấp nền tảng giải quyết vấn đề hiệu quả, nhanh chóng, minh bạch hóa quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Về quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, tại Điều 53 dự thảo Luật mới chỉ quy định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành các giao dịch điện tử. Trong khi, một trong những đối tượng tác động của luật này là phương tiện điện tử và việc bảo đảm điện tử và việc bảo đảm an toàn phương tiện điện tử lại được thực hiện theo Luật Công nghệ thông tin.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định việc bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử không chỉ được thực hiện theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng mà còn được thực hiện theo quyết định của Luật Công nghệ thông tin./.

Bảo Yến

Các bài viết khác