TÊN GỌI ''LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)'' HAY ''LUẬT CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC'': VẪN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU

10/11/2022

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tên gọi của dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến góp ý với nhiều quan điểm khác nhau: Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như luật hiện hành; Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như Tờ trình của Chính phủ và một số ý kiến chưa đồng tình với 2 phương án nêu trên.

TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo luật.

Tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác: Vẫn còn ý kiến khác nhau.

Theo Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật với 2 phương án. Phương án 1: Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Phương án 2: Luật Hợp tác xã.

Cho ý kiến về tên gọi của dự thảo luật trong phiên thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến thống nhất tên gọi trong phương án 2 Chính phủ trình là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), với những lý giải, phân tích cụ thể.

Trong đó, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, khái niệm hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, việc giữ nguyên tên luật là Luật Hợp tác xã một mặt vẫn đảm bảo bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với loại hình hợp tác xã. Mặt khác, tên gọi này từ lâu đã được sử dụng trong công tác tuyên truyền, vận động. Việc giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã sẽ tránh xáo trộn và đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong xu thế hội nhập và phát triển.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã sẽ tránh xáo trộn và đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị giữ nguyên tên gọi là dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Vì hợp tác xã là nòng cốt, đại diện và là đặc trưng cho thành phần kinh tế tập thể, tổ chức hoạt động của tổ chức hợp tác, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể khác cũng tuân thủ theo bản chất, mục đích, cơ chế hoạt động của hợp tác xã. Đây mới chính là cách tiếp cận đúng bản chất mối quan hệ và mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế. Do đó, việc giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể.

Xét cả ở góc độ về lý trí và tình cảm, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đều rất mong muốn giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã. Với các lý do hợp tác xã và các hình thức liên kết của hợp tác xã, như Liên hiệp Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã… nên khi chúng ta dùng tên gọi là Luật Hợp tác xã bao trùm tất cả các chủ thể quy định trong luật này.

Tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác hay tổ chức hợp tác không có trong Hiến pháp và trong Luật Dân sự. Hơn nữa, tên gọi hợp tác xã hay điều lệ hợp tác xã hay Luật Hợp tác xã đã đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu của nền kinh tế Việt Nam, trở thành một một hình thái tổ chức trong nền kinh tế, có những đóng góp to lớn vào cuộc chiến tranh để bảo vệ đất nước của chúng ta và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm qua, hình thức này cần phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu Vũ Tiến Lộc còn cho biết: “Người đã có công lao đưa tư tưởng hợp tác xã, mô hình hợp tác xã vào Việt Nam chính là Bác Hồ. Bác đã viết về hợp tác xã, dành hẳn một chương trong Đường cách mạng năm 1927 và suốt trong cuộc đời Bác, Bác luôn luôn quan tâm, chỉ đạo phong trào hợp tác xã. Ngày 28/4/1996 Quốc hội thông qua Điều lệ tóm tắt hợp tác xã nông nghiệp và chính Bác Hồ đã viết lời giới thiệu cho điều lệ này. Chúng ta cũng hết sức xúc động khi vào thăm khu di tích của Chủ tịch chúng ta thấy là trên bàn làm việc của Bác trước lúc ra đi là cuốn Điều lệ tóm tắt của hợp tác xã nông nghiệp của nước ta. Như vậy, nó như là một thông điệp mà Bác để lại cho đời sau là phải hết sức quan tâm đến khu vực này. Đây chính là một mô hình vừa thể hiện bản chất của nền kinh tế thị trường, lại vừa thể hiện được tính chất xã hội chủ nghĩa của một nền kinh tế mà chúng ta đang theo đuổi”. Vì vậy theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, giữ lại tên là hợp tác vẫn bao trùm được tất cả những nội dung mà chúng ta định đề cập trong luật này.

Cho rằng sử dụng tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như Chính phủ trình trong phương án 1 sẽ bao quát được toàn bộ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng về phạm vi điều chỉnh của luật trong trường hợp có thay đổi hoặc mở rộng thì nên quy định trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật thì sẽ phù hợp hơn, mà không nhất thiết phải mang tên gọi như Chính phủ trình.

Mặc dù Chính phủ trình tên luật là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, tuy nhiên đối tượng điều chỉnh của luật chủ yếu xoay quanh các đối tượng như tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Liên đoàn Hợp tác xã, như vậy Liên hiệp Hợp tác xã và Liên đoàn Hợp tác xã đều là một loại hình phát sinh từ hợp tác xã, vì vậy đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã như tên gọi gốc là phù hợp.

Đại biểu dẫn chứng lịch sử phát triển hợp tác xã 200 năm qua trên thế giới đến nay vẫn được Liên hiệp quốc khẳng định hợp tác xã là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh. Hợp tác xã là mô hình tự trợ giúp và đoàn kết, đóng góp của hợp tác xã rất đặc biệt và vô giá. Tên gọi hợp tác xã cũng được nhiều nước trên thế giới sử dụng phổ biến, trong đó nổi bật như là Mỹ, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, việc giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã vẫn đảm bảo được hội nhập và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thành  Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ; đại biểu Leo Thị Lịch, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng đồng tình với tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như những phân tích của các đại biểu đã nêu

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với tên gọi dự thảo luật là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như Chính phủ trình.

Chưa đồng tình với các quan điểm nêu trên, trong phiên thảo luận một số đại biểu thống nhất với phương án Chính phủ trình là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh nêu Điều 16 của Luật Hợp tác xã có nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tổ chức kinh tế hợp tác hiện nay khác với cách đây 40-50 năm - thời đó chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, với dự thảo luật này, tổ chức kinh tế hợp tác có thể nói là "trăm hoa đua nở" và có những tổ chức kinh tế hợp tác như ở các quốc gia khác.

Hơn nữa, hiện đã hình thành 4 loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã và Liên đoàn Hợp tác xã. Liên minh, liên đoàn là những tổ chức cao hơn và phức tạp hơn của các hợp tác xã. Đại biểu lấy ví dụ: Những loại hình kinh tế hợp tác giống như chúng ta nói là vũ khí thì chúng ta có đại bác, có súng trường, có súng gắn trên tàu tàu chiến và có súng gắn trên máy bay, chúng ta không thể gọi luật về vũ khí là luật về súng trường được. Súng trường chỉ là một trong các loại loại vũ khí mà thôi, cho dù chúng ta rất yêu mến súng trường, vì hồi xưa các cụ già dùng súng trường bắn rơi máy bay, nên rất nhớ đến nó. Thời đại bây giờ có nhiều loại vũ khí và khi có nhiều loại vũ khí thì tên gọi phải tương ứng với nội dung và đối tượng điều chỉnh”. Chính vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác là chính xác và điều đó cũng là một nguyên tắc của lập pháp và lập quy, tức là có bao nhiêu đối tượng điều chỉnh thì tên gọi phải đủ để bao trùm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng lấy ví dụ, trước đây có Luật Công ty, sau đó chuyển tên thành Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp. “Công ty hiện nay vẫn là loại hình chủ yếu trong doanh nghiệp nhưng không phải vì là loại hình chủ yếu, tên gọi này ra đời đầu tiên, cho nên chúng ta gọi đó là Luật Công ty mà chúng ta phải gọi nó là Luật Doanh nghiệp”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Tranh luận với ý kiến của một số đại biểu tại phiên họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích thêm về chuyện học Bác Hồ, trong đó nhấn mạnh học Bác Hồ là học bằng trái tim và bằng lý trí, chúng ta học cái tinh túy, cái cốt lõi. Tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn và bền vững chính là nhờ tinh túy và cốt lõi. Đại biểu cũng phân tích từ "hợp tác xã" trở lại, hợp tác tức là hợp để mà tác, tức là một tổ chức để làm việc và "xã" có nghĩa là một đơn vị, một tổ chức, chúng ta lấy từ Hán Việt ra, giống như là thông tấn xã, nó khác với cụm từ "tập thể". Chính từ "hợp tác xã" đồng bộ với luật pháp của thế giới hiện nay, cho nên đại biểu đề nghị giữ cụm từ "kinh tế hợp tác".

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý kiến vào tên gọi của dự thảo luật.

Thống nhất Tờ trình của Chính phủ với tên gọi là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm tên gọi như vậy nhằm bao quát được các đối tượng áp dụng của dự án luật, gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, Liên hiệp Hợp tác xã đã được đưa vào phạm vi điều chỉnh. Việc đổi tên như tờ trình của Chính phủ sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các hình thái tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau. Mặc dù tên gọi Hợp tác xã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, tuy nhiên trong phạm vi điều chỉnh không chỉ có hợp tác xã mà còn có tổ hợp tác, Liên minh Hợp tác xã, Liên đoàn hợp tác xã, đây là các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác cho nên đổi tên gọi là phù hợp. Đại biểu dẫn chứng tại Đồng Tháp cũng có tổ hợp tác, có Hội quán cũng là một hình thức hợp tác. Quy định tổ hợp tác được điều chỉnh trong dự thảo luật là cần thiết, hiện hành là không có, nhằm xác định pháp lý của tổ hợp tác có cơ sở phù hợp để hoạt động.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cũng đồng tình với tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, do phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng, bao trùm đầy đủ các nội dung và phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn thuật ngữ “tổ chức kinh tế hợp tác” bao gồm các tổ chức nào cho đầy đủ hơn để khi đưa luật vào thực tế sẽ không phát sinh các vấn đề liên quan.

Đại biểu Quốc hội đề xuất tên gọi khác với 2 phương án Chính phủ trình

Cũng liên quan đến tên gọi dự thảo luật Hợp tác xã (sửa đổi), trong phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ, một số đại biểu chưa đồng tình với tên gọi theo 2 phương án Chính phủ trình, trong đó đề xuất tên gọi khác.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất tên gọi của dự thảo luật là “Luật các tổ chức kinh tế tập thể”. Đại biểu phân tích, Dự thảo luật Chính phủ trình lấy tên là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác để phù hợp với tên gọi của tổ chức này tại Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2020 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đồng thời thể hiện rõ hơn tính chất đặc thù về kinh tế - xã hội, cộng đồng của khu vực kinh tế với nòng cốt là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Tuy nhiên, theo đại biểu, định nghĩa về tổ chức kinh tế hợp tác tại khoản 28 Điều 4, thuộc thành phần kinh tế tập thể có thể gây ra 2 mâu thuẫn, bất cập: Đó là không nhất quán giữa tên gọi các tổ chức kinh tế tập thể theo Nghị quyết 20 của Trung ương, vì Nghị quyết gọi các tổ chức thuộc thành phần này là tổ chức kinh tế tập thể. Các tổ chức kinh tế hợp tác khác như công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty TNHH 2 thành viên trở lên cũng thực hiện các hoạt động hợp tác, tại sao lại không được mang tên là tổ chức kinh tế hợp tác. Theo đại biểu, các tổ chức kinh tế này khác biệt về bản chất với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối tượng điều chỉnh của luật này.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất tên gọi của dự thảo luật là “Luật các tổ chức kinh tế tập thể”.

Từ hai mâu thuẫn trên cho thấy tên gọi Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã là các tổ chức kinh tế hợp tác là chưa phù hợp, từ đó đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất đặt tên gọi của dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế tập thể, để phù hợp và thống nhất chung với tên gọi mà các Nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số 20, các cụm từ trong dự thảo luật là "kinh tế hợp tác" nên sửa thành "kinh tế tập thể". Mặt khác, gọi là Luật Các tổ chức kinh tế tập thể, phạm vi sẽ nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng, phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế.

Băn khoăn về tên gọi của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ tán thành với các lý do nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế khi xác định việc đổi tên dự thảo luật từ Luật Hợp tác xã sang Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thì tên luật các tổ chức kinh tế hợp tác chưa xác định một cách chính xác và đầy đủ các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác.

Tuy nhiên, nếu giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng chưa hợp lý, vì dự thảo luật quy định nhiều hình thức của tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã, như vậy hợp tác xã chỉ là một trong những mô hình của tổ chức kinh tế hợp tác. Vì vậy, việc giữ nguyên tên luật là Luật Hợp tác xã sẽ không thể bao trùm hết các phạm vi điều chỉnh của luật và không thể hiện đúng bản chất tổng thể các quy định của dự thảo luật. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn tên gọi của luật sao cho chính xác và phù hợp nhất.

Trước đó, trong phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) không còn phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, đại biểu chưa đồng tình với tên gọi Chính phủ trình là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu đề nghị đổi tên luật thành Luật các tổ chức hợp tác.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến đại biểu nêu liên quan đến tên gọi của dự thảo luật.

Giải trình về các ý kiến đại biểu nêu về tên gọi dự thảo luật, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết có luồng ý kiến đề nghị giữ nguyên, vì tên này đã được sử dụng từ lâu và trong hệ thống các văn bản pháp luật của đang dùng tên này, nếu thay đổi sẽ phải thay đổi rất nhiều các văn bản khác, cũng như trong hoạt động tuyên truyền thực hiện luật. Luồng ý kiến thứ hai thống nhất với đề nghị của Chính phủ, đó là đổi tên cho phù hợp với tình hình mới, bao quát được hết tất cả các loại hình kinh tế hợp tác và phù hợp với Nghị quyết 20 của Trung ương, đúng theo tinh thần chỉ đạo tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và tôn trọng quy luật của thị trường...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải có sự thay đổi để đổi mới, ví dụ từ khi xây dựng Luật Doanh nghiệp, đối tượng hộ kinh doanh không đưa vào trong Luật Doanh nghiệp vì định nghĩa hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, chúng ta cũng không đưa được vào luật này. Hơn nữa, cần nhấn mạnh tính hợp tác giữa các thành viên, giữa các tổ chức kinh tế hợp tác để phát triển sản xuất như kinh doanh theo các chuỗi. Tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền và thu hút các nguồn lực xã hội, người dân tổ chức tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội xây dựng hoàn thiện rất nhiều bộ luật quan trọng, đây là thời điểm rất phù hợp để thay đổi tên phù hợp với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, có rất nhiều lý lẽ và quan điểm khác nhau xung quanh việc đổi hay không đổi tên dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu để có tính thuyết phục cao hơn; đồng thời đánh giá tác động của từng phương án./.

Lan Hương

Các bài viết khác