ĐBQH PHAN THỊ NGUYỆT THU: ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI XEM XÉT TĂNG SỐ LƯỢNG THẨM PHÁN, THƯ KÝ CHO TÒA ÁN CÁC CẤP

08/11/2022

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu thực tế nguồn lực hiện tại về con người cũng như cơ sở vật chất của tòa án các cấp và các cơ quan tư pháp còn thiếu, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký cho Tòa án các cấp, đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp cho các tòa án.

TỔNG THUẬT NGÀY 08/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Năm 2022, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp

Nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, năm 2022 tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số vụ án có quy mô lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm trên không gian mạng với thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm tham nhũng tăng 40,97%; tội phạm trong công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh, tiền tệ; tội phạm về ma túy, xâm phạm trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch COVID-19. Các tranh chấp dân sự, hành chính có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng gia tăng.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Kết quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tố tụng cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhiều vụ án lớn được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các vụ án dân sự, hành chính được Tòa án cao cấp đối thoại, hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao.

Đại biểu  Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng, kết quả này khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan tư pháp trung ương rất quyết liệt và có nhiều giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội đạt kết quả bước đầu về xét xử phiên tòa trực tuyến.

Nguồn lực về con người và cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp còn thiếu.

Sau gần một năm kể từ ngày Nghị quyết 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực, các cơ quan tố tụng đã phối hợp xét xử trực tuyến gần 4.000 vụ án, trong đó, hơn 3.000 vụ án hình sự có điểm cầu thành phần tại các trại giam công an tỉnh trên cả nước, trong đó có vụ án xét xử trực tuyến từ điểm cầu của tòa án tỉnh tới điểm cầu thành phần, từ Tòa án quận Tân Bình, trong khi bị cáo đang bị tạm giam ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không phải dẫn giải về Hà Tĩnh để xét xử. 240 vụ án dân sự, 251 vụ án hành chính, 158 vụ án biện pháp xử lý hành chính, vụ việc có điểm cầu tại Ủy ban nhân dân các cấp…

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh, kết quả này cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cấp tòa án đã khắc phục cơ bản về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội một cách hiệu quả, đảm bảo xét xử kịp thời các vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân và ngân sách của Nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hộ cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp.

Qua theo dõi trực tiếp một số phiên tòa trực tuyến tại địa phương và các tỉnh, nghe ý kiến đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và Nhân dân cho thấy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được thực hiện như phiên tòa trực tiếp. Bên cạnh đó, một số vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, nhiều vụ án hàng trăm người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, phòng xét xử tại các Tòa án được xây dựng từ những năm 90 đã xuống cấp nghiêm trọng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, vận hành hiệu quả phần mềm trợ lý ảo giám sát, điều hành của Tòa án còn gặp nhiều khó khăn, do thiết bị công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ và thiếu đồng bộ. Vụ việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi đó, nguồn lực hiện tại về con người cũng như cơ sở vật chất của tòa án các cấp và các cơ quan tư pháp còn thiếu, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký cho Tòa án các cấp.

Để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII của Đảng về hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tòa án và các cơ quan tư pháp, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị Quốc hội tiếp tục có cơ chế phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở các tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, các trại tạm giam các tỉnh, các kho vật chứng của cơ quan thi hành án để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký cho Tòa án các cấp, đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp cho các tòa án. Từ năm 2017 đến nay các tòa án phải giải quyết tăng 5.000 vụ án một năm, với áp lực công việc rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng phải đảm bảo theo quy định pháp luật. Số lượng biên chế Quốc hội giao và cho phép giữ nguyên như năm 2012, đến thời điểm này là không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng tòa án điện tử, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp một số khó khăn, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo, trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến tại các tòa án và điểm cầu thành phần tại các cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn các thiết bị phải thuê mượn hoặc chuyển đổi từ phòng họp để tổ chức xét xử trực tuyến. Vì vậy, đề nghị Bộ Công an, Tòa án tối cao kịp thời trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phòng xét xử tại điểm cầu trung tâm tòa án và điểm cầu thành phần tại các trạm tại trại tạm giam và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình./.

Lan Hương

Các bài viết khác