ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

04/11/2022

1751 lượt xem

Sáng 04/11, tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tai Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 13 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời và làm rõ nhiều vấn đề.

ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC XÂY DỰNG

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số. Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, giúp chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng thể chế số, quản lí số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau. Nếu chúng ta không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ là không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.”

 

Đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: “Tình hình tội phạm công nghệ cao như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng, đá gà, đánh bạc qua mạng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.”

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: "Ngăn chặn thông tin xấu độc ở Việt Nam thực sự là một việc khó khăn. Lực lượng thì mỏng, trong khi 1 người Việt Nam có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau. Giải pháp căn bản là “thế giới thực ra sao thì lên không gian mạng như vậy, ai quản lý cái gì trên thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó”. Tức là tất cả chúng ta phải vào cuộc. Các bộ, ngành thì quản lý lĩnh vực mình trên không gian mạng. Các địa phương cũng quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường. Đến tế bào xã hội là gia đình quản lý con cái trong đời thực thì cũng quản lý con cái trên không gian mạng. Chỉ như vậy, toàn bộ xã hội vào cuộc thì chúng ta mới có thể giải quyết được căn cơ những vấn đề trên không gian mạng. Một mình Bộ Thông tin, Truyền thông; một mình Bộ Công an hiện nay đang là 2 lực lượng chính làm không xuể."

 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: “Hiện chỉ còn 266 thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động. Đây là những nỗ lực rất lớn đáng ghi nhận của ngành thông tin, truyền thông. Tuy nhiên, qua các chuyến công tác cũng như khảo sát và phản ánh của cử tri còn rất nhiều vùng lõm ở các thôn, bản, điểm dân cư không có sóng hoặc sóng rất yếu, nhất là ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Điều này đã hạn chế đến phát triển kinh tế - xã hội và cả công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng.”

 

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: “Trên các nền tảng và trang mạng xã hội như là Facebook, Zalo hay Tiktok thì hàng giả và hàng nhái được chào bán một cách rất công khai. Chúng ta rất dễ tìm được các quảng cáo như là super fake, fake 1, fake 2, rồi những quảng cáo như đồng hồ Patek Philippe mà có 20 triệu, bán rất công khai. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng là một vấn nạn cần phải siết lại và cần phải xử lý.”

 

Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: “Hiện nay có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó, đối với 3 mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay thì việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ.”

 

Đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Chúng ta đang trong lộ trình xây dựng Chính phủ số, chính quyền điện tử theo Đề án 06, áp dụng công nghệ cho các dịch vụ công từ cấp Trung ương đến địa phương. Để triển khai công việc này thì cần phải có đội ngũ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay ở cấp xã, phường, thị trấn, nơi phải triển khai trực tiếp các dịch vụ công nhiều nhất với người dân thì không có vị trí việc làm và biên chế cho cán bộ chuyên trách làm công việc công nghệ thông tin, cũng như chưa có cơ chế để giữ chân cán bộ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Điều này gây khó khăn cho cơ sở tại các địa phương và làm cản trở đến tiến độ triển khai, ảnh hưởng đến lộ trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử.”

 

Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu:Xây dựng Chính phủ điện tử đòi hỏi phải đảm bảo tính đồng bộ, tính tổng thể. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc triển khai thực hiện lại tùy thuộc vào các bộ, ngành, địa phương theo các dự án độc lập, mà việc tổ chức thiết kế nhiều nơi mang tính chất cục bộ, cát cứ, dẫn đến cơ sở dữ liệu vẫn rời rạc, phân tán, thiếu tính liên kết, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí về nguồn lực và tài nguyên dữ liệu.

 

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: “Nếu chúng ta chỉ dùng những biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì là khi phòng chống COVID, chúng ta mới dừng ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa. Giải pháp căn cơ nhất theo quan điểm của tôi phải là giải pháp nâng cao sức đề kháng, giống như chúng ta có vaccine đề kháng. Tức là người dân, công chúng không tin, không nghe những thông tin xấu, độc. Chúng ta phải có thêm nhiều thứ để cho công chúng có thể đọc được nhiều thông tin hay, nhiều thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực nhưng phải mang tính thuyết phục cao. Chúng ta phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào những vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh. Không phải chỉ khen một chiều mới là hay, bởi vì thực tế nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc…Quan trọng nhất là không uống thuốc độc ngay từ đầu, nếu độc hại đã ngấm vào rồi mới uống giải độc thì chắc chắn chúng ta mãi mãi chạy theo rất vất vả.”

 

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam“Một vấn đề rất nhỏ nhưng đang nhức nhối. Đó là vấn đề dây cáp viễn thông, cáp truyền hình giăng như mạng nhện, mạnh ai nấy làm, không theo một nguyên tắc, trật tự nào, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông an toàn. Có thể nói, quản lý nhà nước về vấn đề này hầu như bỏ ngỏ hoặc bất lực. Cử tri, đại biểu Quốc hội đã nhiều lần phản ánh trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào hữu hiệu.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ mang lại tiện ích cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp rất lớn. Người dân sẽ dễ dàng trao đổi thông tin, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, không phải điền nhiều thông tin khi làm việc với cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục. Đặc biệt là chỉ phải kê khai một lần và thực hiện “4 không”. Đó là không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt, không gặp gỡ. Đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia giúp cho người dân đăng ký nhanh chóng, khắc phục tồn tại trong việc không đăng ký được tài khoản do không có SIM điện thoại chính chủ, sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện, các cơ sở y tế.

 

Bảo Yến - Phạm Thắng