THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐANG HỒI PHỤC TÍCH CỰC SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

31/10/2022

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Đóng góp ý kiến vào việc hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động sau đại dịch, các đại biểu cho biết, thị trường lao động đang phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19.

QUỐC HỘI NGHE TỜ TRÌNH, BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI); THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Đóng góp ý kiến vào việc hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động sau đại dịch, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia cho rằng, đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong nhiều thập kỷ. Đại dịch đã phơi bày những chênh lệch về kinh tế và xã hội đặc trưng cho thế giới hiện đại. Đại dịch đã ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia có thu nhập thấp với hệ thống anh sinh xã hội và y tế yếu kém, cũng như những người dễ bị tổn thương ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo các đại biểu, nước ta được đánh giá là một mô hình thành công trong việc kiểm soát đại dịch. Một loạt các biện pháp chủ động sớm, bao gồm đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, cấm tụ tập đông người, thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc và truy vết liên lạc trên diện rộng đã mang lại hiệu quả cao. Làn sóng lây truyền cộng đồng thứ tư với diễn biến phức tạp của biến thể Delta dẫn đến việc thực hiện giãn cách xã hội triệt để đầu tiên Bắc Ninh, Bắc Giang và sau đó thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 4 tháng và các tỉnh phía nam từ đầu tháng 5 đến hết tháng 9 năm 2021. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết tác động kinh tế và xã hội của Đại dịch, trong đó có việc hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Đồng thời Việt Nam đã chuyển từ chiến lược “Không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt với Đại dịch để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu Quốc hội cho biết, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao và các biện pháp chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã dần nới lỏng các biện pháp chống dịch chặt chẽ trước đây để dần đưa các hoạt động của nền kinh tế xã hội trở lại các hoạt động bình thường từ đầu quý 2 năm 2022. PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, đánh giá cập nhật về mức độ ảnh hưởng của Đại dịch cũng như sự phục hồi của thị trường lao động và phúc lợi của người lao động đóng một vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả chiến lược mới về thích ứng với đại dịch, thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ, bền vững và bao trùm của nền kinh tế Việt Nam.

Các số liệu thống kê cho thấy, thu nhập thực tế của lao động giảm đáng kể trong quý 2 năm 2020 so với quý 2 năm 2019 do tác động của Đại dịch nhưng đã có sự phục hồi rõ rệt vào quý 2 năm 2022 so với quý 2 năm 2021. Phân tích bộ số liệu Điều tra Lao động việc làm (LFS) cho thấy thu nhập thực tế của người lao động (được điều chỉnh theo các hệ số trong Bảng 1) trong quý 2 của năm 2020 thấp hơn 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, thu nhập thực tế trong quý 2 năm 2022 đã tăng 6,1% so với quý 2 năm 2021 và tăng 4% so với quý 2 năm 2019.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu rõ, các ngành dịch vụ bị tác động giảm thu nhập mạnh nhất trong quý 2 của năm 2020 so với quý 2 của năm 2019 và các ngành này có sự phục hồi tốt trong quý 2 năm 2022 so với quý 2 năm 2021 và quý 2 năm 2020. Các ngành sản xuất theo định hướng xuất khẩu phục hồi tốt trong quý 2 năm 2022 mặc dù bị tác động mạnh bởi Đại dịch trong quý 2 và quý 3 năm 2021. Một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề trong Đại dịch đã thực hiện các điều chỉnh việc làm đáng kể và có sự phục hồi rõ rệt trong quý 2/2022. Trong khi phần lớn các ngành có tăng trưởng thu nhập dương sau Đại dịch, thì cũng có những ngành giảm thu nhập trong quý 2 năm 2022. So với quý 2 năm 2021, trong quý 2 năm 2022 các ngành có thu nhập giảm là Sản xuất máy móc khác, dịch vụ việc làm, thông tin truyền thông, thủy sản và ngân hàn/bảo hiểm.

Các ngành dịch vụ xã hội chủ chốt có thu nhập tăng xấp xỉ mức tăng trung bình của nền kinh tế trong quý 2 năm 2022 so với quý 2 năm 2021 tuy nhiên số lao động lại giảm đáng kể. Hai lĩnh vực xã hội chính là giáo dục-đào tạo và y tế tăng thu nhập nhưng giảm lao động trong thời sau đại dịch. Ngành giáo dục sử dụng hơn 1,9 triệu lao động với mức lương tương đương mức lương trung vị là 7,2 triệu đồng/tháng ghi nhận mức tăng của thu nhập thực tế là 1,8% trong quý 2 năm 2021 so với quý 2 năm 2020 và tăng 6,4% trong quý 2 năm 2022 so với quý 2 năm 2021, kèm theo giảm 4,5% việc làm trong quý 2 năm 2022 so với quý 2 năm 2021.

Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 4

Các dại biểu Quốc hội cho bieets, nếu như đại dịch đã làm tăng khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ cũng như khoảng cách thu nhập giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức trong quý 2 năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 thì khoảng cách thu nhập này đã giảm xuống đáng kể trong giai đoạn sau đại dịch.

Cụ thể, mức tăng thu nhập trong quý 2 năm 2022 diễn ra ở phần lớn các ngành hai chữ số trong nền kinh tế, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau làn sóng đại dịch đối với thị trường lao động. Sự phục hồi sau đại dịch lên thu nhập lao động khác nhau đáng kể giữa các ngành hai chữ số. Các ngành dịch vụ sử dụng nhiều tiếp xúc cũng như các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế trong danh sách các ngành tăng thu nhập hàng đầu trong quý 2 năm 2022. Với các ngành chế biến chế tạo có mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), như dệt may, da giày và điện tử có mức tăng đáng kể thu nhập từ lao động thực tế trong quý 2, đều trên giá trị trung bình của toàn nền kinh tế là 7,96%. Thu nhập thực tế của những lao động trong ngành sản xuất giày dép tăng 19,8% trong quý 2 năm 2022 so với quý 2 của năm 2021.

Từ các số liệu thống kê cụ thể trên, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đặc biệt là làn sóng thứ tư diễn ra từ tháng 5 năm 2021 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn phục hồi khá tốt từ quý 3 năm 2020 đến hết quý 1 năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Tuy nhiên, sự phục hồi đã thể hiện rõ trong tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 2 năm 2022 với tốc độ tăng trưởng lên tới 7,72% (cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây) (TCTK, 2022).

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm 2022 là 2,39% trong đó tỷ lệ thất nghiệp quý 1 là 2,46% và quý 2 là 2,32%. Dữ liệu điều tra lao động việc làm theo các quý từ năm 2018 đến hết quý 2 năm 2022 cho thấy thu nhập thực tế của lao động trong quý 2 năm 2022 đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Minh Hùng