ĐBQH RƠ CHÂM H′PHIK: BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH CHO BAN CÔNG TÁC MẶT TRẬN THÔN, TỔ DÂN PHỐ

30/10/2022

Tham gia góp ý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Rơ Châm H′Phik – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng cần mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt với đối tượng là Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố.

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Bồi dưỡng kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình cho Ban Công tác Mặt trận

Cơ bản thống nhất với nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Rơ Châm H′Phik – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đóng góp hai ý kiến để hoàn thiện dự án Luật như sau:

Thứ nhất, về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 45 trong dự thảo Luật quy định: Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình và các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Công an cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Chi hội trưởng của các đoàn thể và Ban Chỉ đạo công tác gia đình được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Rơ Châm H′Phik – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu

Đại biểu nhấn mạnh, Điều 45 này đang thiếu đối tượng cần được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, đó là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố. Tại khoản 2 Điều 45 có ghi cụm từ "chi hội trưởng của các đoàn thể". Cụm từ này chỉ đúng và đủ đối với hội đoàn thể, như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, nông dân và cựu chiến binh. Đối với cơ cấu, tổ chức của hội đoàn thể này tại cơ sở, họ có các chi hội, trong các chi hội có hội viên và có chi hội trưởng. Đối với tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại xã thì có cơ cấu tổ chức là Trưởng ban Công tác Mặt trận tại xã. Trong thực tế hiện nay, Trưởng ban Công tác Mặt trận tại xã thực hiện rất tốt việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và đồng thời cũng tham gia rất tốt vào các tổ hòa giải. Do vậy, đại biểu cho rằng cần bổ sung Trưởng ban Công tác Mặt trận tại xã vào Điều 45.

Tại Điều 52 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định rất rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận. Đại biểu cho rằng, trong việc tham gia phản biện, giám sát và tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt việc phòng, chống bạo lực gia đình, đối tượng Trưởng ban Công tác Mặt trận cần được tập huấn và cung cấp các tài liệu liên quan để họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Chính vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng cần được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, đó là "Trưởng ban Công tác Mặt trận" trước cụm từ "Chi hội trưởng của các đoàn thể" tại khoản 2 Điều 45.

Rà soát, bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên

Thứ hai, tại Điều 52 về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên có trách nhiêm: Giám sát, phản biện xã hội việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên và Nhân dân.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận có trách nhiệm kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan Nhà nước có liên quan để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Chủ trì, phối hợp phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này.

Đại biểu cho biết, hiện nay rất nhiều tổ hòa giải trên phạm vi cả nước làm rất tốt thực hiện việc hòa giải ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm ổn định an ninh trật tự ở các vùng nông thôn. Tổ trưởng và các thành viên trong tổ hòa giải phần lớn là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, như vậy, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại cơ sở còn có vai trò đó là thực hiện việc hòa giải tại cơ sở. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung tại khoản 2 Điều 52 thêm cụm từ "tham gia hòa giải" sau cụm từ "tuyên truyền, giáo dục" để thể hiện được đầy đủ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại xã và các thành viên của Ủy ban Mặt trận trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, khoản 2 Điều 52 sẽ được sửa thành: Mặt trận Tổ quốc và các thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, tham gia hòa giải, khuyến khích, động viên đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên và Nhân dân.

Hồ Hương