ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: GHI NHẬN VÀ TÔN VINH CÔNG LAO TO LỚN CỦA LỰC LƯỢNG Y TẾ TRONG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN
Năng suất lao động là chìa khóa dẫn đễn sự thịnh vượng của Quốc gia
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đễn sự thịnh vượng của Quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Trong thời gian qua, Năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN. Giai đoạn 2011-2015 là 4,53%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%/năm.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng chưa đủ nhanh, nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng 9,1% của Singapore; bằng 26,2% của Malaysia; bằng 46,8% của Thái Lan và bằng 68,7% của Philippines. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á cũng cho thấy NSLĐ của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và Nhật Bản 60 năm.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Từ nghiên cứu trên, đại biểu nhấn mạnh, nếu không có giải pháp quyết liệt, năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.
Năm 2022, chỉ tiêu Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất Quốc hội giao chưa đạt. Đây cũng là năm thứ 2 chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Năm 2021, Quốc hội đề ra chỉ tiêu là khoảng 4.8%, chúng ta đạt 4.71%. Theo Báo cáo số 185/BC-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021 đạt thấp do 2 nguyên nhân chính: tăng trưởng GDP cả năm thấp chỉ đạt 2,58% và do COVID-19 nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, lao động nghỉ việc, giảm giờ làm.
Tuy nhiên, năm 2022, tăng trưởng GDP bình quân 9 tháng là hơn 8%, nền kinh tế đã mở cửa trở lại nhưng chúng ta chỉ đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 4,7-5,2% thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đặt chỉ ra là 5.5%. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu này chưa đạt mục tiêu đề ra.
Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội
Năm 2023, Chính phủ đề xuất chỉ tiêu Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân của là từ 5,0 - 6,0%. Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 đề ra mục tiêu trên 6,5%/năm. Đây cũng là mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Vì vậy, việc đề ra các chỉ tiêu của năm 2023 phải đặt trong tổng thể chung và gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Năm 2022 chúng ta dự kiến đạt được từ 4,7-5,2% thì năm 2023 chúng ta có thể kỳ vọng mức cao hơn và tiệm cận hơn đến mức 6.5% mà Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định. Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa một lần nữa nhấn mạnh, một trong những nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng năng suất lao động là chất lượng nguồn nhân lực.
Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Tiếp thu kinh nghiệm Quốc tế, đại biểu lấy ví dụ, Hàn Quốc là quốc gia có xuất phát điểm thấp. Vào những năm 1960 thì GDP của Hàn Quốc chỉ ngang bằng Việt Nam ở cuối những năm 1980. Thế nhưng đến nay họ đã có những bước phát triển thần kỳ. Trong từng giai đoạn tăng trưởng, Hàn Quốc luôn đặt mục tiêu hàng đầu là phải đào tạo được lực lượng nhân lực tương ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Họ thực hiện thay đổi hoàn toàn chế độ lương bổng, đãi ngộ nhân tài và đột phá về khoa học công nghệ, mời các chuyên gia hàng đầu người Hàn Quốc trên thế giới về làm việc với mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt.
Hay như Singapore, một quốc đảo không có tài nguyên. Tuy nhiên, họ đã xác định rất rõ sự phát triển kinh tế đất nước mình sẽ dựa chủ yếu vào các ngành dịch vụ như: dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ logistics, phát triển công nghệ cao. Để làm được điều đó, Singapore đã thu hút nhân lực chất lượng cao ở khắp nơi đến làm việc với một chế độ đãi ngộ rất tốt và chính sách nhập cư thuận lợi. Do vậy, Singapore sở hữu được nguồn nhân lực tốt và nguồn nhân lực này đã đóng góp cho nền kinh tế của Singapore phát triển như hiện nay.
Ở nước ta, Đảng ta xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định “tài năng, trí tuệ con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, trong thời gian vừa qua, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Đại biểu phân tích thêm, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu. Tuy nhiên, để chuyển từ thời kỳ dân số “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng thì cần có giải pháp tổng thể, toàn diện. Cùng với các chiến lược nêu trên và các biện pháp đề ra trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu đề nghị:
Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tổng kết, đánh giá, việc thực hiện 2 chiến lược này trong giai đoạn 2011-2020.
Thứ hai, xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030 để thể chế hóa Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động như đã xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ.
Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần của Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận số 12-KL/TW của BCT về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia về quản trị quốc gia. Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình công hiến cho quê hương, cho đất nước.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, ở nước ta, tính đến hết tháng 9 năm 2022, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,5 triệu người. Đối tượng do ngân sách nhà nước nước đóng, hỗ trợ mức đóng chiếm trên 50% - Phần lớn trong số đó thuộc Nhóm yếu thế như người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương vẫn chưa được xử lý dứt điểm; còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm y tế. Tình trạng này khiến người bệnh dù có bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn phải mua thuốc bên ngoài, trong đó có nhiều loại thuốc thuộc phạm vi thanh toán của BHYT... Đối với những người yếu thế, số tiền họ phải bỏ ra để mua thuốc là gánh nặng tài chính lớn đối với bản thân và gia đình, tác động tiêu cực đến an sinh xã hội. Đáng buồn hơn là có người bệnh vì không có đủ tiền nên không dám đi khám, hoặc đi khám nhưng không làm đủ những xét nghiệm cần thiết, không mua đủ thuốc để chữa bệnh – dẫn đến sức khỏe và tính mạng bị đe dọa.
Người dân mua BHYT để được khám, chữa bệnh, được bảo vệ sức khỏe của mình. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế; đồng thời, sớm xây dựng cơ chế, hướng dẫn bồi hoàn cho người dân khi phải bỏ tiền túi mua thuốc bên ngoài vì cơ sở khám, chữa bệnh hết thuốc thuộc danh mục do BHYT thanh toán. Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần tiến hành sửa đổi các văn bản quy phạmphaps luật còn bất cập, vướng mắc. Đây là việc cần làm ngay để bảo đảm và bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của người bệnh, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế để họ không bị nghèo hơn, khó khăn hơn vì gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế.