ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: BỔ SUNG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VÀO PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

26/10/2022

Tham gia ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm một điều luật quy định về đối tượng áp dụng của luật và bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng phần nội dung có liên quan đến cộng đồng dân cư.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Tham gia ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo rất rõ các ý kiến của đại biểu, trong đó có ý kiến của đại biểu tỉnh Quảng Bình tham gia trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, song đại biểu có một số ý kiến tham gia như sau:

Thứ nhất, đại biểu đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý bố cục của dự thảo luật theo hướng: Trong từng loại hình cơ sở như xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị và các tổ chức có sử dụng lao động thể hiện từng nội dung, dân biết đó là những nội dung phải công khai, dân bàn đó là những nội dung nhân dân tham gia ý kiến, dân làm đó là những nội dung Nhân dân quyết định, những nội dung nhân dân kiểm tra, giám sát. Bố cục này cũng sẽ cho người dân đọc dễ tiếp cận các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở ở từng loại hình khác nhau.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, quy định tại Điều 1. Dự thảo luật có quy định về cộng đồng dân cư như là một chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ví dụ như quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 23, Điều 22, v.v.. Tuy nhiên, tại Điều 1 phạm vi điều chỉnh không có nội dung nào liên quan đến cộng đồng dân cư. Ngoài ra, tại Điều 1 vừa quy định cả phạm vi điều chỉnh lẫn đối tượng áp dụng, đại biểu cho rằng quy định như vậy cũng chưa phù hợp và không rõ ràng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm một điều luật quy định về đối tượng áp dụng của luật và bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng phần nội dung có liên quan đến cộng đồng dân cư.

Thứ ba, về Thanh tra nhân dân. Dự thảo luật lần này đã chỉnh lý các quy định về Ban thanh tra nhân dân theo hướng không quy định một chương riêng như trước đây mà theo hướng quy định Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có sử dụng lao động, đồng thời cũng đã thiết kế các điều khoản cụ thể về Ban thanh tra nhân dân ở các loại hình tương ứng tại các chương II, III và IV của dự thảo luật. Về quy định này, đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, việc thành lập Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở là cần thiết, vì có như vậy mới góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng trong mọi hoạt động của các loại hình cơ sở. Đồng thời, quy định riêng đối với từng loại hình như vậy sẽ đảm bảo các quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân sát hợp, phù hợp hơn đối với từng loại hình tương ứng. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 38 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; khoản 1 Điều 61 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan đơn vị; khoản 1 Điều 80 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động đều quy định Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tuy nhiên lại chưa có quy định cụ thể việc kiểm tra, giám sát được thực hiện theo phương thức nào. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định này để thuận tiện trong quá trình áp dụng và thống nhất trong quá trình hoạt động.

Thứ tư, về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Tại dự thảo luật quy định 14 nội dung chính quyền cấp xã phải công khai, hình thức công khai bao gồm 10 hình thức cơ bản đảm bảo đầy đủ và khả thi. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để bảo đảm người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng. Vì trong một số trường hợp theo tính chất, mức độ ảnh hưởng của thông tin, nếu không mang tính bắt buộc có thể việc áp dụng một số hình thức công khai thông tin sẽ không đến được với người dân, nhất là đối với những địa bàn có tính chất đặc thù hoặc là địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đại biểu hy vọng rằng Quốc hội xem xét thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong kỳ họp này sẽ phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân đối với phương châm là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng, trên cơ sở đó cũng sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Minh Hùng