CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.BUÔN MA THUỘT: QUY ĐỊNH PHẢI TẠO ĐỘT PHÁ VÀ TÍNH KHẢ THI CAO

26/10/2022

Sáng 26/10, thảo luận tại Tổ 7 về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều ý kiến đại biểu tán thành cao sự cần thiết phải hành Nghị quyết đồng thời lưu ý, cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách quy định tại Dự thảo đảm bảo tính khả thi cao, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố,...

THẢO LUẬN TỔ 7: RÀ SOÁT, QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ

THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN BỔ SUNG, LÀM RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI).

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 7

Theo Tờ trình của Chính phủ, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước. Đây là vùng cao nguyên quy tụ 40 dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16 tháng 12 năm 2019, Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra. 

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, với vị trí địa chính trị-địa kinh tế hết sức quan trọng ở Tây Nguyên, có tính kết nối liên vùng không chỉ với các địa phương khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ mà vươn sang cả nước bạn Lào, Campuchia, Buôn Ma Thuột là thành phố có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là hoàn toàn phù hợp, góp phần thực hiện Kết luận số 67 ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết chưa được thống nhất ở điều 1 dự thảo Nghị quyết với điều 3. Tại điều 1, dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; tuy nhiên, tại Điều 3 (Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước) khi quy định các chính sách thì lại quy định đối với tỉnh Đăk Lắk (Khoản a: Tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp).

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng cho rằng,  quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (Điều 4) là nội dung rất mới và cần có sự nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo hơn, bởi chưa có tiền về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một địa phương quy mô cấp thành phố;… Ngoài ra, việc đề xuất chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột là rộng hơn về phạm vi, số lượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, có thể dẫn đến những tác động đến ngân sách nhà nước, môi trường bình đẳng kinh doanh; đó là chưa kể sẽ áp dụng theo phương thức nào đối với doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ở Thành phố Buôn Ma Thuột nhưng lại có chi nhánh ở nhiều nơi khác;...

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình 

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần quy định cơ chế, chính sách đặc thù bám sát được thực tiễn địa bàn của Buôn Ma Thuột , những cơ chế phải mang tính chất đột phá, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, qua thực tế tổng kết thực hiện Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh, còn nhiều nội dung trong nghị quyết, các cơ chế chính sách chưa thực hiện trên thực tế. “Đây là lần đầu tiên thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn phạm vi cấp huyện, cho nên rất cần phải có sự nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để các nội dung quy định đảm bảo chặt chẽ, đúng, trúng, có tính khả thi, triển khai trên thực tế không bị vướng mắc…”, đại biểu Đặng Bích Ngọc lưu ý.

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột là nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67 nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế như tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt là vị trí trung tâm tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu đánh giá cao dự thảo đã có quy định về lĩnh vực khoa học, công nghệ, trong đó quan tâm đến nhân lực cho khoa học, công nghệ và các tài năng đặc biệt. Tuy nhiên, quy định tại Điều 6 dự thảo nghị quyết, việc đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm không phải là một ưu đãi lớn để  thành phố dựa vào đó thu hút thêm các nhà khoa học. Với đề xuất này chưa thực sự tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút, động viên đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt từ Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố khác về làm việc, cống hiến, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột phát triển.

Đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, cần cân nhắc bổ sung thêm chính sách về nhà về ưu đãi nhà ở, đất ở đối với lực lượng chuyên gia, nhà khoa học nhằm kêu gọi, thu hút đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng lưu ý, việc cấp học bổng cho phát triển nguồn nhân lực cho địa phương là một khâu rất đáng quan tâm, cần phải đầu tư trong thời gian tới. Theo đại biểu, cần có ưu đãi đặc biệt cho việc đào tạo nguồn nhân lục, trong đó Nhà nước cần có hỗ trợ cho giáo dục đại học bằng việc cấp học bổng trong số nguồn nhân lực mà thành phố Buôn Ma Thuột cần trong vòng ít nhất 5 năm, phục vụ nhu cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh