LỰA CHỌN THÀNH LẬP CÁC CƠ QUAN THANH TRA THEO NGÀNH, LĨNH VỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

26/10/2022

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào sáng 25/10, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Các đại biểu tán thành với việc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cũng như thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng lưu ý phải bảo đảm không phát sinh tổ chức, biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

TỔNG THUẬT SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp

Cần thiết có thanh tra chuyên ngành ở một số ngành dọc đóng tại địa phương

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 không quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại Cục là đơn vị đóng tại địa phương thuộc Tổng cục. Tuy nhiên qua rà soát, nhận thấy để đáp ứng yêu cầu quản lý thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng Cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Một số ý kiến tán thành với đề xuất này, cho rằng, trong thực tế, tại các Cục chẳng hạn như Cục Thuế, Cục Hải quan, cơ quan thanh tra đóng vai trò rất quan trọng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất với quy định thành lập thanh tra Cục thuộc Tổng cục theo ngành dọc và đóng tại địa phương, như Cục Thuế, Cục Thống kê, Cục Hải quan để thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý không được thành lập thanh tra Cục thuộc cơ quan của Tổng cục cũng như không thể Cục thuộc Tổng cục ở địa phương nào cũng có cơ quan thanh tra mà tùy theo tính chất đặc thù của chuyên ngành, phạm vi, đối tượng quản lý rộng lớn mà thành lập và không được thành lập Chi cục thanh tra ở các nơi. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên ghi rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Cục trực thuộc Tổng cục ở địa phương vào trong luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định lý giải, trong lĩnh vực thuế và hải quan, nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn, ổn định và bền vững của ngân sách nhà nước. Nhấn mạnh, hiệu quả của thanh tra Cục thuế, Cục Hải quan tỉnh và khu vực là không phải bàn cãi, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra ở Cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ để tăng sự huy động vào ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, từ số liệu thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy kết quả xử lý truy thu thuế qua thanh tra cao hơn rất nhiều so với kiểm tra. Thông thường các cuộc thanh tra chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, rủi ro cao, cần nhiều thời gian để thu thập thông tin, xác minh làm rõ những nghi vấn, dấu hiệu gian lận về thuế. Theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý thuế, cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế là cơ chế ưu việt trong quản lý thuế. Cơ chế này đề cao ý thức, trách nhiệm của người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi để giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Tuy nhiên bên cạnh những điểm mạnh là cơ bản thì vẫn còn có những người nộp thuế ý thức chưa cao, còn tình trạng người nộp thuế trốn tránh nghĩa vụ thuế, kê khai giảm nghĩa vụ thuế phải nộp đối với ngân sách nhà nước. Các hành vi vi phạm của người nộp thuế ngày càng phức tạp và tinh vi hơn đòi hỏi hoạt động thanh tra thuế của cơ quan thuế phải chuyên nghiệp hơn, áp dụng nhiều giải pháp theo quy định của Luật Thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho rằng, nếu nhiệm vụ thanh tra thuế chỉ tập trung tại cơ quan thanh tra của Tổng cục thuế thì sẽ tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan này, vì việc nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế tại địa phương do các cục thuế quản lý, theo dõi. Do tính chất quan trọng của hoạt động thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị ngành dọc thuộc tổng cục và tương đương đóng tại địa phương, việc thành lập cơ quan thanh tra ở các đơn vị này là cần thiết, đại biểu nhấn mạnh.

Dưới góc độ khác, có ý không đồng tình thành lập thanh tra Cục thuộc Tổng cục vì cho rằng điều này là đi ngược với tinh thần của Ban Chấp hành trung ương về yêu cầu tinh giản biên chế. Theo đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, biên chế có thể không tăng nhưng chi phí sẽ tăng bởi thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ thanh tra và thanh tra viên về lương và phụ cấp, chế độ và các chính sách khác khi đó chi phí tăng. Đại biểu cho rằng như vậy là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trước yêu cầu tinh gọn những đầu mối bên trong gắn với việc tinh giản biên chế, đại biểu cho rằng nên cân nhắc việc thành lập thanh tra ở các Cục thuộc Tổng cục.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Bảo hiểm xã hội đã khẳng định được vai trò và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Cũng liên quan đến thành lập cơ quan thanh tra, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung về tổ chức cơ quan thanh tra thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố vào Luật Thanh tra (sửa đổi) để vừa duy trì tổ chức đang ổn định hiện nay của thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố vừa cân đối với cơ quan thanh tra trong các Bộ.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An -  Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Đoàn Thị Lê An -  Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, thực hiện chức năng thanh tra hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hệ thống thanh tra, kiểm tra của ngành được cơ cấu theo hai cấp trung ương và địa phương. Trong những năm vừa qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã khẳng định được vai trò và khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, qua đó góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng nợ đọng Quỹ Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, qua thanh tra cũng đã góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động và chủ sử dụng lao động. Hiệu quả trong công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng cho thấy hầu hết kết quả thanh tra, kiểm tra là do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chỉ rõ, hiện dự thảo Luật mới chỉ quy định chung việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, chưa quy định cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Đại biểu  cho biêt, trong các cơ quan thuộc Chính phủ chỉ có cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề xuất nêu cụ thể tên cơ quan Bảo hiểm xã hội và đưa vào nhóm các cơ quan đã có nhiệm vụ thanh tra tại khoản 4 Điều 9 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để bảo đảm tính kế thừa, thống nhất của hệ thống pháp luật. Mặt khác, việc không quy định rõ cơ quan Bảo hiểm xã hội được thành lập cơ quan thanh tra từ trung ương tới địa phương như tại dự thảo hiện nay sẽ không thống nhất với các luật có liên quan, không bảo đảm cơ sở để Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử phạt theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khẳng định thanh tra Bảo hiểm xã hội mà chủ yếu là ở cấp tỉnh đã có đóng góp to lớn để bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, xử lý các vi phạm trong đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời và nghiêm minh. Với những ý nghĩa về chính trị, kinh tế và pháp lý như nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) cụ thể về cơ quan thanh tra Bảo hiểm xã hội bao gồm Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy định này cũng sẽ cân đối với thanh tra Cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ mà có tổ chức hệ thống ngành dọc ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Bảo Yến