ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: SỚM ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỂ CHẾ NHẰM TẠO MÔI TRƯỜNG AN TÂM CHO DOANH NGHIỆP TRONG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH

21/10/2022

Để triển khai những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm: Cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất.

QUỐC HỘI SẼ CÓ NHIỀU QUYẾT SÁCH ĐÚNG, ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Ngày 20/10 là ngày đầu tiên Quốc hội khóa XV tiến hành Kỳ họp thứ 4. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.


Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng ngày 20/10.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu – Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình nêu quan điểm: Để triển khai những giải pháp mà Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã đưa ra cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết quan điểm của mình về Báo cáo của Chính phủ đối với Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023?

ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp... Tình hình đó đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, đối tác lớn.

Những yếu tố trên đã tác động rất lớn tới nền kinh tế và đời sống của người dân ở trong nước. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nhanh chóng khắc phục những khó khăn do những yếu tố khách quan mang lại, Quốc hội đã cùng với Chính phủ đưa ra những giải pháp kịp thời.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Nhìn vào kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm nay, chúng ta nhận thấy, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đã đạt được trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới còn rất khó khăn. Rõ ràng, đây là một kết quả khả quan, không thể không phấn khởi.

Phải khẳng định, để đạt được kết quả như vậy, tôi muốn nhấn mạnh đến nỗ lực rất đáng ghi nhận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc ban hành, thực thi các biện pháp, chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến sự nỗ lực, đóng góp trực tiếp của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp cũng phải trải qua thời gian rất dài để khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Phóng viên: Ngoài những kết quả đã đạt được, đại biểu có băn khoăn, lưu ý gì về tốc độ phát triển của nền kinh tế trong nước trong thời gian qua?

ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Nếu như nhìn về tốc độ tăng trưởng kinh tế ngắn hạn như vậy nhưng về mặt dài hạn, chúng ta cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức từ cả yếu tố nội tại ở trong nước và các yếu tố bên ngoài, những bất định về chính sách kinh tế vĩ mô của các nước, chính sách tài khóa, tiền tệ; các dấu hiệu suy thoái kinh tế trên thế giới có nhiều tác động lớn đến Việt Nam…


Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

Mặc dù Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu nhưng chỉ 1 chỉ tiêu rất quan trọng về năng suất lao động chúng chưa đạt được. Vấn đề về xuất nhập khẩu rõ ràng là con số cho thấy rằng rất là tốt, nhưng nhìn về mặt cơ cấu và lợi ích thực sự từ câu chuyện xuất khẩu cũng cần xem xét thêm. Mặt khác, việc doanh nghiệp tìm kiếm thị trường khi xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu ra thị trường quốc tế cũng là vấn đề cần lưu tâm.

Chúng ta nhìn thấy số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường rất nhiều nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giải thể, rút lui khỏi thị trường cũng là con số rất đáng quan tâm. Các vấn đề về chi phí nguyên liệu, chính sách tài khoá, tiền tệ, tỷ giá, những đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ thương mại cũng là những nội dung mà chúng ta cần lưu ý hơn.

Phóng viên: Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã đưa ra các nhóm giải pháp cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đại biểu, để triển khai các giải pháp đó, chúng ta cần lưu tâm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nào trước tiên?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Trong Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đã nêu đầy đủ nhiều nhóm giải pháp mà chúng ta phải kiên trì thực hiện.

Tuy nhiên, với những giải pháp mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra mà chúng ta thực hiện kịp thời một cách đầy đủ, nhất quán, thậm chí là sớm hơn so với kế hoạch đề ra lại là yếu tố rất quan trọng. Bởi vì, đôi khi những chi phí về thời gian trong việc thực hiện các thủ tục có thể làm giảm hiệu quả năng suất, có thể làm trì hoãn các hoạt động sản xuất kinh doanh nên khiến các doanh nghiệp mất đi những cơ hội để vực dậy sản xuất và phát triển. Do vậy, việc chúng ta cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan - Ánh Nguyệt - Phạm Thắng

(Cổng TTĐTQH)