ĐBQH NGÔ TRUNG THÀNH: THÀNH LẬP THANH TRA TỔNG CỤC, CỤC TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ MINH BẠCH CHO CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

10/10/2022

Theo ĐBQH Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này chính là quy định về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

 

ĐBQH Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật

Theo Luật Thanh tra 2010, tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập. Tuy nhiên dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã quy định Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập tại các Tổng cục, Cục có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, do Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng; và theo quy định của Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ chịu sự điều hành, quản lý của Tổng Cục trưởng, Cục trưởng và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ công tác thanh tra của Thanh tra Bộ. Điều này nhằm khắc phục những bất cập trong việc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo Luật Thanh tra 2010 và Nghị định 07/2012/NĐ-CP về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề xuất này của Chính phủ, song cũng cho rằng, việc thành lập Thanh Tổng cục, Cục vẫn cần phải nghiên cứu các tiêu chí cụ thể để đảm bảo rằng việc thành lập thống nhất, không tuỳ tiện, không làm phát sinh biên chế, bộ máy, giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra, tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

Ngành thuế là một trong những đối tượng sẽ chịu tác động của việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này. Ngành thuế là ngành có quy mô lớn, tổ chức hệ thống dọc theo 3 cấp (Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế), số doanh nghiệp ngành thuế hiện đang quản lý là trên 873 nghìn doanh nghiệp. Thực hiện quản lý thuế theo rủi ro, theo đó công tác thanh tra, kiểm tra thuế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý thuế của ngành.

Luật thanh tra (sửa đổi) nếu được Quốc Hội thông qua với quy định cho phép thành lập cơ quan thanh tra Tổng cục Thuế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp, địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra Tổng cục Thuế; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành thông qua việc chủ động, độc lập ban hành quyết định thanh tra, tiến hành thanh tra, kết luận và kiến nghị, xử lý; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nâng cao kỷ cương, kỷ luật của ngành.

Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Cục trưởng, Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng Cục thuế

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Cục trưởng, Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng Cục thuế, bên cạnh thuận lợi về tổ chức và hoạt động thanh tra tại Tổng cục Thuế như trên, dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) hiện không quy định hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuế tại cấp Cục Thuế, Chi cục Thuế (các đơn vị trực thuộc ngành dọc ở địa phương) như hiện nay. Đây sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn với toàn ngành thuế do việc tổ chức thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành thuế chủ yếu được thực hiện tại cấp Cục Thuế. Từ năm 2017 đến hết năm 2021, toàn ngành thực hiện 31.989 cuộc thanh tra, tổng các khoản xử lý qua thanh tra là 42.816,9 tỷ đồng; trong đó 99,26% cuộc thanh tra được thực hiện tại cấp Cục, Chi cục thuế, số thuế truy thu qua thanh tra tại Cục Thuế, Chi cục Thuế chiếm 78.32% số thuế truy thu qua thanh tra của toàn ngành. Số thu bình quân/cuộc thanh tra gấp 13.5 lần số thu bình quân/cuộc kiểm tra.

Ngành thuế đang quản lý thuế theo rủi ro, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế. Theo đó công tác thanh tra thuế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý thuế tại cấp Cục Thuế, Chi cục Thuế. Qua công tác thanh tra, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế, các vụ việc trốn, tránh thuế, gian lận hoàn thuế, mua bán hóa đơn... qua đó nâng cao tính tuân thủ, tự nguyện của người nộp thuế.

Đối với vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành cho biết, trong quá trình thẩm tra, phía Uỷ ban Pháp luật cũng đã đề nghị Chính phủ làm rõ, có ý kiến chính thức, có cần thiết phải quy định ở cấp Cục, Chi cục chức năng thanh tra chuyên ngành hay không. Tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn chưa thể làm rõ được với các bộ, ngành liên quan./.

Dương Dung

Các bài viết khác