ĐBQH NGUYỄN VĂN HUY: PHÁT HUY TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THẢO LUẬN TẠI CÁC KỲ HỌP QUỐC HỘI

26/09/2022

Đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp và nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân.

Tổng thuật sáng 08/9/2022: Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận

Tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng cùng những nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết, đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tài liệu phục vụ Kỳ họp.

Trước hết, về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 3, đại biểu thống nhất với việc quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp và nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, về việc sửa đổi quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi vắng mặt tại phiên họp, theo dự thảo tại khoản 2 thì quy định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời là thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Theo đại biểu, ở nội dung này, nếu nghỉ dưới 2 ngày thì nên giữ nguyên quy định như nghị quyết hiện hành, là trường hợp không thể tham dự phiên họp thì đại biểu Quốc hội báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo cho Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Đối với trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội hoặc vắng mặt từ 2 ngày trở lên, thì thống nhất với dự thảo quy định là phải báo cáo bằng văn bản và nêu rõ lý do đến Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và đồng thời phải gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo với Chủ tịch Quốc hội quyết định. Để bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, cần quy định rất rõ về sự đồng ý hay không đồng ý của Chủ tịch Quốc hội để đảm bảo chặt chẽ, nhất quán khi triển khai.

Điều 5 của dự thảo quy định về người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội. Nội dung điều này đã liệt kê đến các thành phần được mời tham dự, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung thêm thành phần là Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh được mời dự thính tham dự kỳ họp Quốc hội. Đối tượng này đã được mời dự thính trong thời gian qua, tuy nhiên chưa được đề cập ở trong dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh đó, về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội được quy định tại Điều 7, điểm a khoản 2 Điều 7 quy định rằng tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước. Đây là nội dung mới đã được thực hiện thực tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cách diễn đạt như ở trong dự thảo còn rối, đề nghị cần biên tập lại theo hướng quy định rõ hơn về hình thức văn bản điện tử thì trong trường hợp nào và hình thức văn bản giấy thì trong trường hợp nào.

Ở điểm a khoản 2 của Điều 7, tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước và phải bảo đảm nội dung như tài liệu gốc. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc lại cụm từ mới bổ sung trong nghị quyết so với hiện hành là phải bảo đảm nội dung như tài liệu gốc.

Về vai trò của Chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp quy định về thảo luận, tranh luận chất vấn tại phiên họp toàn thể được quy định tại các điều từ Điều 15 đến Điều 19, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc kết cấu lại một số nội dung từ Nghị quyết hiện hành như dự thảo và bổ sung quy định về phân công người trình bày dự án, dự thảo báo cáo trước Quốc hội trong trường hợp người đại diện của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình không thể thuyết trình dự án, dự thảo.

Về tranh luận tại phiên họp toàn thể và tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu cho rằng phải lưu ý các nội dung tại điểm d khoản 2 và điểm d khoản 3 của Điều 15, cũng như khoản 3 Điều 19. Chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội không phát biểu tranh luận, chất vấn đúng nội dung và sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn. Vì thực tế trong các kỳ họp một số đại biểu đăng ký tranh luận nhưng khi phát biểu thì lại nêu quan điểm đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đó hoặc là với các nội dung của tài liệu. Đại biểu bày tỏ đồng tình với các quy định này và đề nghị cần phải quy định theo hướng cụ thể hơn với cả Chủ tọa, người điều hành và đại biểu Quốc hội, để bảo đảm việc thực thi các quy định nêu trên được thực hiện nghiêm túc.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát biên tập để tránh việc trùng lặp một số nội dung về trình tự điều hành của chủ tọa tại các Điều 15, 17, 18 và 19. Ngoài ra, tại điểm a khoản 4 Điều 18 quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định để rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu xuống không dưới 5 phút, khi thời gian còn lại của phiên họp không đủ tất cả số đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận, đại biểu đề nghị sửa lại thành tối đa là 5 phút hoặc là dưới 5 phút cho đúng với thực tế.

Ngoài ra, về bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Điều 42 thì mới chỉ quy định về bầu các chức danh tại kỳ họp thứ nhất mà chưa có quy định về kiện toàn bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ khi có sự thay đổi, điều chuyển trong công tác nhân sự. Đại biểu đề nghị phải bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

Hồ Hương

Các bài viết khác