ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: QUY ĐỊNH CỤ THỂ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN ĐỂ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG THỰC HIỆN PHÁT HUY DÂN CHỦ

26/08/2022

Phát biểu ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần quy định rạch ròi về nội dung nhiệm vụ, quyền hạn để cho công chức, viên chức, người lao động thực hiện phát huy dân chủ, để luật đi vào cuộc sống và được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Nhằm hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, dân chủ là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ trong thời gian qua đã góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, cởi mở vai trò của người dân, người lao động đã phát huy tối đa trên tất cả các lĩnh vực về dân bàn, dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm công vụ, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, việc thực hiện dân chủ còn nhiều bất cập nhầm lẫn nội dung, hình thức. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chưa thống nhất, mỗi nơi thực hiện có khác nhau. Thiếu chế tài xử lý, tùy trường hợp cụ thể, vai trò giám sát phản biện của Mặt trận, đoàn thể cũng như của người dân chưa rõ, ít được lắng nghe. Cho nên việc xây dựng Luật Dân chủ ở cơ sở là hết sức cần thiết.

Về tên gọi, đại biểu bày tỏ thống nhất gọi là Luật Dân chủ ở cơ sở nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh với chỉ hai loại hình chính thức là cơ quan, đơn vị và loại hình doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng phạm vi của dự thảo luật không nên bao gồm doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã và các tổ chức khác có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, bởi mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động theo hợp đồng sẽ chi phối các luật có liên quan như Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp. Nếu quy định sẽ chồng chéo, trùng lắp và gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, nếu áp dụng mà chủ doanh nghiệp không thực hiện cũng sẽ không giải quyết hoặc không bắt bột được, khó chế tài.

Đối với quy định về các hình thức, thời điểm công khai thông tin, bắt buộc cần phải có xác định cụ thể từng trường hợp để công khai và có chế tài cụ thể có thể thực hiện làm qua loa, không bắt được thông tin. Tương tự tại Điều 13 người dân quyết định là nội dung mấu chốt để thể hiện tính dân chủ trong luật mức đóng góp tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng, lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện, sức huy động của dân. Thời gian qua, các địa phương trong cả nước tổ chức vận động với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội cho người dân thôn xóm, bản làng, đặc biệt là tình làng nghĩa xóm càng khắng khít nhau, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng đã xảy ra nhiều bất cập như là tự nguyện nên từ cử chỉ, việc làm của mỗi hộ, mỗi cá nhân chưa có sự thống nhất chung, dẫn đến việc người lao động không làm. Thậm chí, có người tuyệt đối không thực hiện, ví dụ như người dân vận động trong khu dân cư xây dựng tuyến đường vào nông thôn, xóm chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng tình thì thực hiện rất khó khăn mà không có chế tài nào bắt buộc vì đây là sự tự nguyện cho nên cũng cần quy định dân tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm của bản làng mình. Những trường hợp người dân không đồng tình tham gia hưởng ứng thì giải quyết ra sao, cũng cần định tính, định lượng cho rõ ràng để dễ dàng thực hiện.

Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc vấn đề cốt lõi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng tham gia đóng góp xây dựng quy chế, nhiệm vụ hoạt động, công tác của cơ quan, đơn vị, phát huy quyền làm chủ tập thể của người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người lao động rất ngại tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, miễn sao quyền lợi của mình không bị hạn chế hoặc bị thu hẹp, không bị trù dập, được nâng lương theo kỳ. Cho nên, đại biểu cho rằng cần quy định rạch ròi về nội dung nhiệm vụ, quyền hạn để cho công chức, viên chức, người lao động thực hiện phát huy dân chủ để luật đi vào cuộc sống và được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp, quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng phát huy quyền làm chủ tập thể của công chức, viên chức, người lao động.

Bên cạnh đó đại biểu đề nghị cân nhắc về hình thức bình đẳng và khả thi của quy định về trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư, chỉ cần 51% tổng số cử tri hoặc đại diện hộ gia đình trong thôn, xóm, tổ dân phố tán thành thì có giá trị bắt buộc thi hành, đối với tất cả người dân trong cộng đồng dân cư. Đại biểu đặt vấn đề, tại sao không nhiều hơn 51% lĩnh vực bắt buộc đóng góp tài chính đất để xây dựng đường phúc lợi có liên quan đến quyền lợi của người dân, tài sản là bất khả xâm phạm. Nếu tài sản đó là hợp pháp mà lại bắt buộc thực hiện theo luật này, vậy có mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự? Dự thảo luật cần phải làm rõ, tránh vướng mắc bất cập khi tổ chức thực hiện.

Về Thanh tra nhân dân, nội dung này được điều chỉnh từ Luật Thanh tra sang luật này để thực hiện hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân do dân bầu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hoạt động của Thanh tra nhân dân rất hạn chế do không có đủ điều kiện, thời gian, trình độ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ hoặc các kiến nghị của Thanh tra nhân dân được xem xét cũng vẫn còn bỏ ngỏ. Có trường hợp ngại làm phiền lòng chính quyền nên cũng không mạnh dạn tham gia góp ý, chủ yếu thông qua Mặt trận và hoạt động của các cấp ở xã. Cho nên, để Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, đúng tính chất, đại biểu cho rằng cần quy định rạch ròi, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra nhân dân, tập huấn chuyên môn, kỹ năng cho hoạt động dễ dàng.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân hoạt động có sự trùng lắp, chồng lấn với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, đây là mô hình tự quản của người dân, cần lồng ghép, sắp xếp lại với nhau để hoạt động có hiệu quả. 

Hồ Hương

Các bài viết khác