Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu rõ, trong thời gian qua, việc thực hiện dân chủ cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, thể hiện rõ vị trí làm chủ của nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương ở các cấp, các ngành, làm chuyển biến về ý thức đạo đức, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân. Tác động tích cực với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng các cộng đồng dân cư và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức, chưa rộng khắp, đồng đều ở các địa phương, khu vực, chưa tiến hành thường xuyên, liên tục. Dân chủ ở cơ sở, ở các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa được phát huy mạnh mẽ. Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi,
Việc thực hiện pháp luật và dân chủ ở cơ sở cũng chưa thật sự gắn kết với nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong việc xây dựng Đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm để xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ và đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đồng thời, để giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34, Nghị định số 04 và Nghị định số 145 của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, cần phải thống nhất tiêu đề và cách sử dụng thuật ngữ tại các điều khoản trong toàn văn bản của luật. Cụ thể, tại Điều 2 khoản 1 dự thảo cần phải bổ sung cụm từ "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" trước cụm từ "các tổ chức chính trị xã hội". Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại Điều 3 khoản 2 có ghi "đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở". Đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc cụm từ "các tổ chức thành viên", vì ở trong Luật Mặt trận cũng như trong điều lệ của Mặt trận thì các tổ chức thành viên là tổ chức liên minh của Mặt trận. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và làm rõ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong tất cả các điều khoản đã dự thảo trong luật để thực hiện rõ cơ chế quy định này.
Tại Điều 10 khoản 1 dự thảo luật đã quy định 8 hình thức thông tin công khai để cho dân biết. Đại biểu tán thành quy định của dự thảo về hình thức công khai quy định tại điểm g khoản 10 là công khai qua mạng xã hội như là Zalo, Facebook, Viber, đây là một hình thức mới, tiến bộ và hiện đại, tuy nhiên về hình thức này chỉ áp dụng đối với người sử dụng điện thoại thông minh. Theo đại biểu, nên chọn hình thức công khai bắt buộc như là niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng. Đây là một hình thức cần phải bắt buộc. Ngoài ra, tùy theo điều kiện ở địa phương có thể lựa chọn hình thức để tuyên truyền công khai đến người dân cho phù hợp, có thể thông qua loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp làm sao để cho thông tin đến người dân hiệu quả.
Đặc biệt, đại biểu cho rằng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số việc công khai thông tin rất cần thiết để cho đồng bào được biết, bàn, quyết định thực hiện và đồng bào giám sát việc thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số đọc, nghe, hiểu và nắm bắt được các thông tin, cần phải công khai thông qua như là chữ viết, tiếng nói bằng tiếng dân tộc của đồng bào để niêm yết hoặc thông qua các loa truyền thanh để thông tin những vấn đề cần phải công khai. Chính vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung thêm quy định về thực hiện đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa những nội dung cần phải cụ thể hơn.
Tại Chương V, ngoài các quy định về Thanh tra nhân dân tại các điểm 58, 59, 60, 61 đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các điều, khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý và hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư phòng, chống tham nhũng lãng phí, nâng cao chất lượng công trình, dự án trên địa bàn và ở địa phương.
Nhấn mạnh đây là một luật rất gần gũi và thực tiễn trong hoạt động của đời sống cũng như trong tổ chức thực hiện các hoạt động tại cơ sở, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng hơn để trình Quốc hội thông qua để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và là sản phẩm hội tụ kết tinh ý Đảng, lòng dân.