ĐBQH TRẦN QUANG MINH: QUY ĐỊNH RÕ HÌNH THỨC TỔ CHỨC, ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG CẤP CỨU NGOÀI CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH

24/08/2022

Nhằm hoàn thiện dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng dự thảo luật quy định rõ về nguyên tắc, hình thức tổ chức, điều kiện hoạt động, điều kiện đảm bảo hệ thống cấp cứu ngoài cơ sở khám, chữa bệnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Nghiên cứu bổ sung đầy đủ quy định về cơ chế tài chính trong khám, chữa bệnh

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Tham gia ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, khả năng tiếp cận với dịch vụ và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám, chữa bệnh, góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới, tuy nhiên cũng bộc lộ một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu cho biết, dự thảo luật lần này bổ sung thêm 3 chương về khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và điều chỉnh các nội dung quan trọng khác. Tuy nhiên, vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế, đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần phải được đưa vào luật và dành một chương riêng cho vấn đề này. Y học nước nhà có tiến bộ, đội ngũ y bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn là tỷ lệ thuận với điều đó, y đức được nâng lên, kể cả những bệnh viện tuyến trên, những bệnh viện có tiếng tăm trong kỹ thuật y khoa, có đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao, cũng vẫn có những trưởng hợp không đạt về y đức, ứng xử không tốt với bệnh nhân.

Theo đại biểu, bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa, tận tình chăm sóc người bệnh, xông pha tuyến đầu để chống dịch như thời gian vừa qua, vẫn còn có các y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ đã dạy "Lương y phải như từ mẫu", không coi việc chăm sóc sức khỏe của mọi người là nghề cao quý, trái lại còn gây tâm lý ức chế, bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là tinh thần của bệnh nhân. Đại biểu nhấn mạnh, tình trạng mất uy tín trong ngành y tế là do y đức xuống cấp, đề cao cá nhân, chạy theo lợi ích trước mắt, lối suy nghĩ, bản tính tiêu cực gây nên. Vì vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo luật có quy định quyền được học tập, nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn thì cũng cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức. 12 nội dung tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được Bộ Y tế quy định khá cụ thể, cần phải được xem xét để đưa vào dự thảo luật lần này, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử.

Đại biểu cũng cho rằng, cần thể hiện rõ đối với khoản 1 Điều 4 với nội dung: Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.

Cơ bản đồng tình với quy định trong dự thảo luật giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hệ thống cấp cứu ngoài cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn được giao quản lý như tài khoản 4 Điều 53, tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần quy định rõ về nguyên tắc, hình thức tổ chức, điều kiện hoạt động, điều kiện đảm bảo để tạo thuận lợi và hành lang pháp lý rõ ràng, nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Đồng tình với nội dung Điều 81 của dự thảo luật quy định sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá có hay không xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật khi xảy ra sự cố y khoa gây tai biến đối với người bệnh mà có tranh chấp cần giải quyết theo đề nghị của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh, tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, cần quy định rõ ràng hơn về thành phần hội đồng chuyên môn, ngoài việc mời luật gia, luật sư tham gia thì người bệnh hoặc đại diện của người bệnh được mời thêm chuyên gia y tế phù hợp tham gia vào hội đồng để đảm bảo công bằng, khách quan trong đánh giá.

Đối với quy định thu hồi giấy phép hành nghề khi không hành nghề trong thời gian 5 năm như quy định tại điểm d mục 2 Điều 28, đại biểu cho rằng quy định như vậy là quá dài, không đảm bảo cập nhật, trau dồi kiến thức y khoa cũng như kỹ năng hành nghề của y bác sĩ. Mục 2 Điều 29 quy định về nguyên tắc hành nghề, theo đó, được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở nhưng không được trùng thời gian làm việc giữa các cơ sở khám, chữa bệnh là chưa đầy đủ. Đại biểu nhấn mạnh cần phải quy định rõ lượng thời gian được làm thêm tại các cơ sở y tế để đảm bảo sức khỏe của người hành nghề, để khi khám bệnh, chữa bệnh phải đạt chất lượng cao.

Dự thảo luật sửa đổi đã quy định cơ sở y tế phải đảm bảo cơ sở vật chất để kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, nhất là công nghệ thông tin liên thông giữa các cơ sở y tế kịp thời cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên hệ theo quy định. Vì vậy, đại biểu đề nghị luật bổ sung quy định việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, người đại diện cho bệnh nhân như đối với các dịch vụ thương mại khác để đánh giá chất lượng công bố rộng rãi cho nhân dân để có sự lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, phân hạng xếp hạng nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, luật cần phải quy định rõ hơn trong trường hợp nào quy trình của việc các cơ sở y tế tiếp theo không công nhận hoặc sử dụng kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm, chiếu chụp phim, ví dụ như do thời gian, do chất lượng, do không đúng với tình trạng bệnh, nhằm tránh lãng phí, gánh nặng cho người bệnh, gia đình người bệnh và lạm dụng quyền tùy tiện trong khám, chữa bệnh.

Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung thẩm quyền can thiệp điều chỉnh bệnh nhân trong trường hợp bệnh viện quá tải hoặc gặp sự cố ngoài ý muốn, trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhân của các cơ sở y tế được điều chuyển. Bên cạnh đó cần bổ sung trách nhiệm vụ chi phí cho bệnh nhân khi bệnh viện giải thể. Vì theo quy định trong dự thảo trách nhiệm của cơ sở y tế khi giải thể là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người bệnh.

Ngoài ra, đối với quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu cho rằng cần quy định cho cả hai hình thức vừa khuyến khích bác sĩ thông thạo tiếng Việt vừa cho phép phiên dịch để thu hút bác sĩ nước ngoài có chuyên môn giỏi hành nghề trong nước. Tuy nhiên, cần phải có quy định rõ rằng cách thức tổ chức đánh giá năng lực giao tiếp ngôn ngữ, đặc biệt đối với việc sử dụng phiên dịch phải có ghi âm, ghi hình theo quy định để xác định rõ trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa.

Minh Hùng

Các bài viết khác