Thực hiện Kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tán thành với qui định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Trong dự thảo Luật cũng đã nêu cụ thể về phương thức phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả không thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, mà lại tạo cơ chế hợp lý khuyết khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát minh sáng chế khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, lợi ít quốc gia. Tuy nhiên, không mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì liên quan đến các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan. Đối với nội dung liên quan đến giống cây trồng được chọn hoặc phát hiện và phát triển cũng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời qui định chặt chẽ là chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.
Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hửu trí tuệ, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, pháp luật hiện hành qui định xử phạt hành chính với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu thu hẹp không xử phạt như đề nghị của Chính phủ thì phải chuyển sang xử lý theo tố tụng dân sự. Điều này sẽ mất thời gian, gây tốn kém, lãng phí. Trong khi đó, xử phạt rất nhanh gọn, thủ tục đơn giản, sau xử lý có thể sẽ chấm dứt hành vi vi phạm của đối tượng. Quan trọng hơn là việc xử lý vi phạm không làm hạn chế các đương sự có thể khởi kiện ra Toà án, nếu chưa hài lòng việc xử lý vi phạm. Mặc khác, nếu tố tụng mà bên liên quan không khởi kiện ra Toà thì Nhà nước không thể can thiệp được. Cho nên việc không thu hẹp đối tượng vi phạm là hoàn toàn hợp lý, đồng thời cũng giảm tải cho Toà án trên lĩnh vực này.
Về sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: Việc Chính phủ trình đưa vào dự thảo Luật là hợp lý, phù hợp với thực tiễn của nước ta. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến. Vì thế, việc qui định sử dụng, phổ biến Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy vào Luật rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia, trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền hưởng thụ của người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, vừa qua có sự cố đáng tiếc đã xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về Quốc ca. Đó là sự vi phạm sự tôn nghiêm của Quốc gia. Cho nên việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca là cần thiết.
Về hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đất nước ta có đa số người dân còn sản xuất nông nghiệp rộng khắp các vùng miền. Tuy nhiên, chỉ Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có các khu vực sản xuất nông nghiệp rộng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vốn canh tác thuần nông, theo tập quán, gieo trồng giống cũ có từ lâu đời. Cho nên việc nông dân giữ giống cây trồng để canh tác cho mùa kế tiếp là đúng nhằm giảm chi phí đầu vào, sản xuất hình thức tự cung tự cấp. Thời điểm hiện tại khó lay chuyển nhận thức cho nên qui định như Luật hiện hành là phù hợp với đặc điểm vùng miền.
Về việc Luật sư không phải thông qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ là chỉ áp dụng cho nhóm dịch vụ đại diện nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại... không áp dụng đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là các đối tượng xác lập quyền dựa trên yếu tố kỹ thuật, phải có kiến thức chuyên sâu. Dự thảo qui định như vậy là hợp lý. Việc kết luận giám định về sở hữu trí tuệ là chứng cứ để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của đối tượng là chưa khách quan, mà chỉ là một trong những nguồn chứng cứ thuyết phục hơn để cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết theo qui định của pháp luật./.