ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: QUỐC HỘI XEM XÉT GIAO CHO CHÍNH PHỦ HAY MỘT CƠ QUAN NÀO ĐÓ NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG LUẬT CẤP, THOÁT NƯỚC

27/05/2022

Góp ý vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị Quốc hội xem xét giao cho Chính phủ hay một cơ quan nào đó nghiên cứu, xây dựng Luật Cấp, thoát nước để có thể trình ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6...

Thực hiện Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tham gia góp ý vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhất trí với quan điểm nêu trong tờ trình của dự kiến xây dựng luật là không nên đưa các dự án luật vào sát vào kỳ họp, làm mất tính chủ động và thời gian để các đại biểu nghiên cứu. Ngoài ra, không thể cứ đưa các dự án luật, kể cả có quan trọng nhưng chưa đủ quy trình để cho các cơ quan soạn thảo xem xét thì chất lượng luật sẽ kém và không đủ.


Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Đề cập về Luật Cấp, thoát nước, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, Luật đã có Nghị định 117,118 về cấp, thoát nước ra đời cách đây 15 năm, từ năm 2007, có nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình của ngành nước hiện nay. Nghị quyết 24/TW tại Hội nghị 7 khóa XI ra đời năm 2013, tức là cách đây gần 10 năm cũng đưa ra rất nhiều chỉ tiêu về vệ sinh môi trường, trong đó có cấp, thoát nước. Tuy nhiên, có chỉ tiêu chúng ta đưa ra đến năm 2020 nhưng đến 2022  vẫn không đạt.

Ngành nước hiện nay cũng có một bất cập mà chúng ta đều thấy rằng là có quá nhiều bộ, ngành tham gia quản lý, như Bộ Xây dựng thì quản lý nước đô thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nước nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nước đầu nguồn… Điều đó cũng gây nên sự bất cập, làm cho ngành nước hiện nay hoạt động không thống nhất và làm cho tiêu chí, tiêu chuẩn dùng nước sạch giữa đô thị và nông thôn cũng khác nhau. Chúng ta căn cứ vào Nghị quyết 16 của Quốc hội, giao các chỉ tiêu thực hiện vào năm 2022 là phải đạt cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn, nhưng nếu chúng ta đưa cùng một chỉ tiêu nước nông thôn như nước đô thị thì có thể là chỉ tiêu về nước nông thôn sẽ không đạt. Nếu chúng ta nói là nước hợp vệ sinh thì người dân nông thôn có thể được dùng tới 81%, nhưng nếu chúng ta đưa chỉ tiêu nguồn nước nông thôn như nước đô thị thì có lẽ chỉ 50-51% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, có một thực tế là hàng năm chúng ta  có 3 tỷ m3 nước sinh hoạt được xả thẳng ra sông ngòi. Trong số đó, rất ít lượng được xử lý, chỉ có 15% nước thải đô thị được xử lý, còn nước nông thôn thì hầu như là không và đây là nguồn gây ra ô nhiễm cho môi trường nước, môi trường đất. Điều này dẫn đến nguy cơ bị hạn hẹp về nguồn nước sạch và ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Ngay cả công nghệ nước của chúng ta trong 15 năm vừa qua theo chính sách để thu hút tư nhân đầu tư vào ngành nước nhưng mới chỉ là cấp nước. Hiện nay, việc thoát nước không thu hút được doanh nghiệp tư nhân là bởi vì phí nước thải chỉ đề ra có 10% phí nâng cấp, tức là không đủ để vận hành trong hệ thống thoát nước, chưa nói có thể làm được gì với nước thải. Thành ra, tất cả những bất cập như thế làm cho ngành nước của chúng ta hiện nay mới tập trung vào được cấp nước nhưng cũng chỉ đảm bảo số lượng, còn về công nghệ thì rất lạc hậu.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, công nghệ và cấp nước chúng ta hiện nay rất lạc hậu so với thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã khử trùng nước thông qua nhiều bậc, bỏ qua khử trùng clo từ năm những năm 1970-1980 của thế kỷ trước, đã xử lý Ozone bậc 2, bậc 3 và hiện nay khử trùng bằng tia cực tím. Còn Việt Nam vẫn chủ yếu đang khử trùng bằng clo. Lấy một ví dụ như thế để thấy rằng, công nghệ trong nước đang lạc hậu như thế nào và điều hành từ xa của chúng ta không có, hoàn toàn bằng thủ công. Điều ảnh hưởng đến chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước.

Với tất cả những bất cập nêu trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Quốc hội xem xét để giao cho Chính phủ hay một cơ quan nào đó nghiên cứu, xây dựng Luật Cấp, thoát nước để có thể trình ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 và sau đó có thể sẽ thông qua vào năm 2024./.

Bích Lan

Các bài viết khác