ĐBQH HOÀNG NGỌC THỊNH: CẦN NHẮC QUY ĐỊNH VIỆC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

27/05/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tán thành với sự cần thiết cũng như nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét lại quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

 Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang 

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với luật hiện hành, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị cấm; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A...

Theo Bộ Y tế, để khắc phục những hạn chế, bất cập, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ đã xây dựng nội dung dự án luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh…

Góp ý kiến vào dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước tại các cơ sơ khám bệnh, chữa bệnh, giúp xây dựng, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đây cũng là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh…

 Tán thành sự cần thiết của việc ban hành luật, đại biểu nhấn mạnh, dự án luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Qua nghiên cứu hồ sự dự án luật, đại biểu đề nghị, cần xem xét lại quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Khoản 2, Điều 21. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo đồng nghĩa với việc tất cả người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đều phải trải qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Đây là gánh nặng đối với Hội đồng Y khoa quốc gia. Việc đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện đối với người hành nghề là bác sỹ, có nhu cầu cấp giấy phép hành nghề phạm vi toàn quốc. Các đối tượng hành nghề khác nên giao về Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá sẽ phù hợp hơn. Nếu thực hiện như dự thảo luật, khó thu hút đội ngũ y, bác sĩ về làm việc tại những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới do chính sách tiền lương không chênh lệch nhiều với những vũng thuận lợi và không có điều kiện làm thêm để tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 26 dự thảo quy định: Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề Hội đồng Y khoa Quốc gia. Với quy định này sẽ nảy sinh rất nhiều bất cập. "Bởi đến nay Hội đồng Y khoa quốc gia chưa có địa vị pháp lý cụ thể, nếu giao cho cơ quan này cấp giấy phép hành nghề thì khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, thời gian thực hiện sẽ không kịp thời, gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở; đồng thời cũng gây khó khăn cho người hành nghề khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề, đặc biệt là những người hành nghề tuyến y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn biên giới, hải đảo....", đại biểu Hoàng Ngọc Định lý giải.

Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho biết, dự thảo lần này quy định, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân, được chia thành ba cấp rất cụ thể. Đây là điểm mới của dự thảo luật, tuy nhiên vấn đề là sau khi phân cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh như dự thảo luật đề ra, việc quy định phân hạng bệnh viện còn tiếp tục được áp dụng hay không và quy định như thế nào? Có cần được bổ sung trong dự thảo luật sửa đổi lần này hay không? Ngoài ra, trước khi quyết định nội dung này, đại biểu đề nghị cần có sự đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để làm rõ việc quy định hưởng bảo hiểm y tế ở từng tuyến.

Về điều khoản chuyển tiếp đối với giấy phép hành nghề, đại biểu nêu rõ, khoản 2 dự thảo quy định: Không cấp mới giấy phép hành nghề đối với người có văn bằng đào tạo là y sỹ kể từ ngày 1.1.2025, trừ y sỹ thuộc lực lượng vũ trang. "Vậy những người là y sỹ đã cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 trước ngày 1.1.2025 thì xử lý việc cấp lại, gia hạn thế nào. Đề nghị cần làm rõ dự thảo luật đối với đối tượng này...", đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị, dự thảo luật quy định rõ ngoài cơ quan được giao thí điểm, các địa phương chưa được giao thí điểm thì cơ quan nào cấp phép đối với quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 103 dự thảo "Trong thời gian từ ngày Luật có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2029, giao Chính phủ: Tổ chức thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh"./.

Lê Anh

Các bài viết khác