CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC: CẦN CÓ QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẶT CHẼ CÁC ĐOÀN THANH TRA

26/05/2022

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận của Tổ 12 chiều ngày 26/5 về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính hiện nay, đồng thời nhấn mạnh cần cần có quy định quản lý chặt chẽ các đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính hiện nay, gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Theo Chủ tịch nước, đất đai, tài sản và nhiều nội dung quản lý nhà nước quan trọng trên các địa bàn đang được phân cấp, giao quyền cho các địa phương, vì vậy, cần có bộ máy để kiểm tra, đôn đốc những quyền hạn, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, các cơ quan chức năng của huyện.

Về Thanh tra cục, tổng cục, dự thảo Luật quy định rõ, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Theo đó, Thanh tra Tổng cục, Cục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thanh tra trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng phê duyệt, gửi Thanh tra bộ thẩm định, tổng hợp trong Kế hoạch thanh tra của Bộ, trình Bộ trưởng ban hành; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật chuyên ngành theo Kế hoạch hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, quản lý nhà nước gắn liền với công tác thanh tra, Cục, Tổng cục chính là quản lý nhà nước nên có một bộ phận thực hiện chức năng về việc này. Ủng hộ chủ trương này, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng để không làm gia tăng, phát sinh bộ máy, đảm bảo hệ thống tinh gọn, hiệu quả.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận

Riêng thanh tra ở các sở, dự thảo Luật quy định, Thanh tra sở là cơ quan của sở, giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra sở thực hiện các nhiệm vụ bao gồm xây dựng kế hoạch thanh tra trình Giám đốc sở phê duyệt, gửi Thanh tra tỉnh thẩm định, tổng hợp trong Kế hoạch thanh tra của tỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch đó; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, cá nhân thuộc sở… Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, nếu tổ chức thanh tra sở thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phải tính toán cụ thể, để bảo đảm bộ máy thanh tra vừa gọn nhẹ nhưng có hiệu quả, tránh tình trạng thanh tra nhiều nhưng không phát hiện được tiêu cực.

Ở góc độ khác, Chủ tịch nước nhìn nhận vai trò của đoàn thanh tra rất quan trọng. Nếu không có quy chế quản lý chặt, để đoàn thanh tra dễ dàng tiếp xúc, giao lưu với đối tượng thanh tra, sẽ khó phát hiện ra tiêu cực, sai phạm. Do đó, quản lý đoàn thanh tra là vấn đề rất lớn, rất quan trọng và phải tăng cường. Theo Chủ tịch nước, quyết định của trưởng đoàn thanh tra rất quan trọng, thay mặt Nhà nước kết luận trước khi tổng thanh tra, chánh thanh tra trình Thủ tướng, thường trực UBND. Nếu việc quản lý đoàn thanh tra lỏng lẻo, để tự do giao lưu sẽ không bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra. Do đó phải có quy định quản lý chặt đoàn thanh tra hơn trong quá trình thanh tra một vụ việc được giao.

Cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc sửa luật là rất cần thiết, bởi sức khỏe của người dân là vấn đề thiết yếu, quan trọng, trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân.

Quan tâm tới đối tượng trẻ em, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay tỷ lệ trẻ em là tương đối lớn, trẻ em là tương lai của đất nước, cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương về sức khỏe, tuy nhiên, luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong khám chữa bệnh đối với trẻ em, vì vậy, cần bổ sung các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh cho trẻ em, qua đó đồng bộ, cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em như quy định trong Luật Trẻ em năm 2016. Chủ tịch nước cũng nêu rõ, đối tượng trẻ em cần được mở rộng là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016 thay vì quy định dưới 6 tuổi.

Theo Chủ tịch nước, trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt. Các quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em. Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ khám chữa bệnh.

Cùng với đó, không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em gặp các bệnh hiểm nghèo không có khả năng chi trả như ung thư, tim hoặc áp dụng mức trần cao hơn dành cho trẻ em trong lộ trình trước mắt tiến tới xoá bỏ thời hạn cần chi trả bảo hiểm y tế./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức