ĐẢM BẢO NGUỒN NHÂN LỰC ĐỂ THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT CPTPP VÀ EVFTA

07/05/2022

Để đảm bảo thực thi các cam kết trong Hiệp định EVFTA và CPTPP với nhiều quy định nghiêm ngặt, phát sinh nhiều cơ chế hợp tác chuyên môn, tham vấn, minh bạch thông tin,…TS. Bùi Hải Thiêm cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ đào tạo, thực hiện các biện pháp nâng cao chuyên môn, hình thành nguồn nhân lực đầy đủ, chất lượng để thực thi các hiệp định.

 

TS. Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp

Nhận định về việc thực thi các cam kết trong CPTPP và EVFTA, TS. Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp  nêu rõ, hiện nay vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo thực thi các cam kết về môi trường và xã hội. Theo đó, phát triển bền vững ngày càng trở thành vấn đề quan trọng được quan tâm trong nghị sự cộng đồng quốc tế. Các nước trên thế giới nhìn nhận rằng, thương mại xuyên biên giới có thể tạo ra những tác động tích cực và tiêu cực đối với những nỗ lực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tự do hóa thương mại có thể góp phần bảo vệ môi trường khi các quốc gia thành viên của định chế thương mại thống nhất đặt ra các tiêu chuẩn trong quy trình thủ tục đầu tư, thương mại; hay tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, công nghệ, bí quyết thân thiện với môi trường.

TS.Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp cho rằng, thách thức hiện tại của cộng đồng quốc tế là duy trì các quy tắc thương mại hiệu quả để thúc đẩy thương mại tự do hóa, thiết lập khuôn khổ môi trường hài hòa ngăn cản các nước lợi dụng quá mức các cam kết về môi trường của các quốc gia khác, thích hợp để lồng ghép các vấn đề môi trường và thương mại thành một. Hoạch định phạm vi chính sách thương mại mang tính hệ thống, đồng bộ có cân nhắc tới các yếu tố tác động tới sự phát triển khác nhau, bao gồm và không giới hạn các khía cạnh lao động, môi trường. Do đó, lựa chọn một phương pháp thích hợp để lồng ghép các vấn đề môi trường và thương mại vào một khuôn khổ chính sách phối hợp và gắn kết là trọng tâm của sự hội tụ đồng bộ của các chế định pháp luật thương mại quốc tế và môi trường.

TS.Bùi Hải Thiêm cho biết, khi được đề nghị đàm phán vấn đề biến đổi khí hậu và đang dạng sinh học trong các hiệp định thương mại tự do chiến lược, Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ cao, đó là cách hiệu quả để chứng minh trách nhiệm quốc tế cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa nhanh chóng tiếp cận với mạng lưới cung ứng toàn cầu vốn cũng đặt nặng các vấn đề này. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam ký kết trong thời gian qua, đặc biệt là 2 Hiệp định chiến lược CPTPP và EVFTA đều dành riêng một chương về môi trường và liệt kê những công ước quốc tế môi trường (MEA) quan trọng mà các bên phải cam kết tham gia khi ký kết hiệp định hoặc đưa thẳng các quy định về biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học của các công ước quốc tế môi trường vào hiệp định.

Cả hai FTA trên đều nhấn mạnh, thương mại thân thiện với bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn quốc tế và sự tham gia của cộng đồng. Hiệp định CPTPP và EVFTA cũng kêu gọi “phát triển thương mại ưu tiên bảo vệ môi trường”, thương mại và đầu tư đối với các hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường phải được thúc đẩy. Cùng với đó, Hiệp định EVFTA và CPTPP đều quy định về yêu cầu thực thi các quy tắc phát triển bền vững cao hơn và sâu hơn so với các FTA khác của Hoa Kỳ và EU. Các quy định trong chương môi trường của CPTPP tuân theo các thủ tục giải quyết tranh chấp thông thường của hiệp định này.

Toàn cảnh Hội thảo Thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật theo các cam kết quốc tế về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP và EVFTA

Theo TS. Bùi Hải Thiêm, Việt Nam với tư cách là bên ký kết của Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường. Cụ thể, đối với việc duy trì mức độ bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ không được xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua việc làm suy yếu mức độ bảo vệ luật pháp môi trường; không được phép hoặc cho phép việc giảm nhẹ hiệu lực pháp lý hoặc miễn trừ các quyết định luật pháp về môi trường theo cách làm ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Việt Nam được khuyến khích tham gia và thực hiện đầy đủ các MEA tham gia với điều kiện các biện pháp đó không được áp dụng theo cách thức gây ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô lý giữa các bên hoặc được sử dụng như một phương thức hạn chế thương mại trá hình.

Với những cam kết về bảo vệ môi trường khi thực thi Hiệp định EVFTA và CPTPP, TS. Bùi Hải Thiêm đưa ra nhận định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức mang tính vĩ mô về lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, khung pháp lý về bảo vệ đa dạng sinh học, các biện pháp chế tài và thực thi pháp luật, việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức và việc đảm bảo nguồn nhân lực để thực thi các hiệp định. Theo đó, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ để thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Đến thời điểm hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới chỉ dừng lại ở việc hình thành nên các quy định mang tính nguyên tắc chung cho việc chống biến đổi khí hậu, hầu hết các văn bản của Chính phủ chỉ mang tính định hướng hoạch định chính sách, chưa cụ thể để triển khai áp dụng trên thực tế các quy định đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, khung pháp lý về bảo vệ đa dạng sinh học được quy định nhiều hơn so với chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học còn nhiều văn bản luật điều chỉnh cùng nội hàm về đa dạng sinh học và các văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành, nhiều khía cạnh liên quan đến đa dạng sinh học chưa có các quy định đầy đủ. Điều này tạo ra sự khó khăn trong quá trình áp dụng, tuân thủ và phổ biến pháp luật, cũng như sự chồng chéo về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Đồng thời dẫn đến nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình áp dụng luật khi thực thi các quy định của EVFTA, CPTPP. Bên cạnh khung pháp lý chưa đầy đủ, chi tiết, hiện nay cũng chưa có các biện pháp chế tài và thực thi pháp luật hiệu quả, các chế tài về hành chính, hình sự và dân sự nói chung về bảo vệ môi trường ở Việt Nam chưa đầy đủ và có sức răn đe. Đặc biệt, mặc dù hiện nay đã có các khung pháp lý về bảo vệ môi trường nhưng trong thực tế chưa được chủ thể pháp luật quốc gia áp dụng triệt để, tuân thủ nghiêm ngặt.

Nêu rõ một trong những thách thức lớn hiện nay là việc đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao có chuyên môn về môi trường (môi trường quốc tế). Để đảm bảo thực thi EVFTA, CPTPP với nhiều quy định nghiêm ngặt, phát sinh nhiều cơ chế hợp tác chuyên môn, tham vấn, minh bạch thông tin,…TS. Bùi Hải Thiêm cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ đào tạo, thực hiện các biện pháp nâng cao chuyên môn, hình thành nguồn nhân lực đầy đủ, chất lượng để thực thi các hiệp định./.

Minh Thành