ĐBQH NGUYỄN THỊ HUẾ: THỰC THI ĐỒNG BỘ NHIỀU BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ THUẾ VỚI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

06/05/2022

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đòi hỏi cần có những thay đổi linh hoạt và kịp thời trong quản lý để chống thất thu thuế. Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng cần phối hợp thực hiện nhiều biện pháp một cách đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

 

Sự phát triển bùng nổ của ngành thương mại điện tử trong những năm gần đây

Sự phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 đã trở thành nguồn động lực lớn, thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của ngành thương mại điện tử trong những năm vừa qua trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam xác định kinh tế số, thương mại điện tử là một trong những động lực và ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch COVID-19, đi đôi với mô hình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng tuần hoàn, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội khuyến khích các Nghị viện thành viên APPF tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát trong lĩnh vực thương mại điện tử, phù hợp với pháp luật, chính sách quốc gia về thương mại điện tử và các cam kết quốc tế về thương mại điện tử.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, nhiều học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước đã đánh giá thương mại điện tử là lĩnh vực có dư địa phát triển lớn, đồng thời kiến nghị cần có chính sách tăng cường đầu tư, phát triển lĩnh vực này làm bàn đạp tạo sức bật cho công cuộc phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Để thị trường thương mại điện tử phát triển một cách bền vững, minh bạch, phát huy được tiềm năng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về lĩnh vực này, đặc biệt trong vấn đề thuế. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đòi hỏi ngành quản lý thuế cần có sự thay đổi, thích ứng kịp thời, linh hoạt, hợp lý để chống thất thu thuế, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn. Bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng cần phối hợp thực hiện nhiều biện pháp một cách đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Phóng viên: Thương mại điện tử là lĩnh vực có sự phát triển đột phá trong những năm vừa qua tại Việt Nam, đại biểu có nhận định gì về sự vươn lên mạnh mẽ của lĩnh vực này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi nhanh chóng, toàn diện đời sống xã hội của con người trên toàn thế giới, làm thay đổi cách thức làm việc, tương tác và kinh doanh trên toàn cầu. Bối cảnh đó đã tạo điều kiện cho sự nở rộ của các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, kinh tế số… trong đó, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nước có thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn cầu. Cùng với tác động từ dịch bệnh COVID-19, sự chuyển đổi từ hình thức bán lẻ truyền thống sang kinh doanh trực tuyến đang diễn ra nhanh chóng. So với giao dịch theo phương thức truyền thống, giao dịch điện tử nhanh chóng và tiện dụng hơn, người mua và người bán dễ dàng kết nối, thực hiện giao dịch mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, các kênh thanh toán đa dạng. Qua đó, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng internet thu về nguồn doanh thu ổn định và ngày càng gia tăng. Thương mại điện tử có ưu điểm nổi bật hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao về mặt cung ứng và giảm thiểu chi phí cho các đối tác, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Triển vọng phát triển của ngành thương mại điện tử là không phải bàn cãi, nên nhiều công ty trong và ngoài nước đã nhanh chóng đầu tư vào thương mại điện tử tại Việt Nam. Lĩnh vực này đang phát triển mạnh mẽ với các hình thức như: mua bán hàng hóa, quảng cáo, cung ứng dịch vụ... thông qua mạng xã hội, website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các phương tiện truyền hình. Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá là năng động, mang tính cạnh tranh cao, không doanh nghiệp nào có thể hoàn toàn chiếm lĩnh được thị trường.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang đặt ra một bài toán nan giải với ngành quản lý thuế, đại biểu cho biết quan điểm về ý kiến này. Thực tế, những khó khăn gì đang đặt ra trong việc quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Thực tế, hoạt động thương mại điện tử diễn ra rất đa dạng, có nhiều thay đổi nhanh chóng, phạm vi kinh doanh rộng, nên đã đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước về nội dung này. Trong đó, việc quản lý thuế đối với thương mại điện không chỉ là bài toán khó riêng tại Việt Nam, mà còn là thách thức đối với công tác quản lý thuế của nhiều quốc gia.

Pháp luật về giao dịch điện tử nói chung, các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế phát sinh từ các giao dịch điện tử nói riêng đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tuy nhiên trong thực tế triển khai quản lý loại hình kinh doanh này vẫn còn nhiều bất cập. Những khó khăn này xuất phát chính từ đặc thù linh hoạt, hiện đại của thương mại điện tử.

Khác với mô hình kinh doanh truyền thống, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không cần có sự hiện diện vật chất về trụ sở làm việc cụ thể và địa điểm sản xuất kinh doanh. Dù vẫn có trụ sở giao dịch, hoặc kho hàng, nhưng đặc tính linh hoạt của thương mại điện tử, nhiều cá nhân kinh doanh online không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên mạng khác với tên ngoài đời thực... khiến việc xác định đối tượng nộp thuế với danh tính rõ ràng trở nên khó khăn hơn.

Cùng với đó, thương mại điện tử sử dụng phương thức giao dịch thực hiện qua internet bằng thư điện tử và các mạng xã hội kết hợp với điện thoại di động. Giá bán, số lượng sản phẩm thường được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu. Với hàng chục triệu lượt người sử dụng và hàng ngàn loại thông tin được truyền đi trong mỗi giây, việc xác định những thông tin liên quan đến giao dịch thương mại điện tử là một thách thức rất lớn cho công tác quản lý thuế. Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, phương thức thanh toán trên sàn thương mại điện tử cũng vô cùng đa dạng, khiến việc kiểm soát thanh toán trở nên rất khó khăn.

Thêm vào đó, công tác phối hợp giữa ngành Thuế với ngân hàng vẫn còn hạn chế. Các ngân hàng chưa cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể để xác minh giao dịch, mà chủ yếu cung cấp sao kê giao dịch trên tài khoản, do vậy, không phân biệt được giao dịch nào là giao dịch thương mại điện tử, giao dịch thông thường từ tài khoản của cá nhân, gây khó khăn cho việc xác định doanh thu kinh doanh thương mại điện tử để quản lý thuế.

Ngoài ra, trong những năm gần đây ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân có được nguồn thu từ các giao dịch điện tử phát sinh tại nước ngoài, dù đều thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng trên thực tế hầu hết họ đều không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định. Một số tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động giao dịch điện tử nhưng chưa tự giác kê khai và nộp các loại thuế liên quan, khiến Nhà nước đang mất đi một nguồn thu ngân sách đáng kể từ các loại thuế này. Đó cũng là vấn đề nan giải cần sớm khắc phục, giải quyết.

Phóng viên: Từ những đặc thù của mình, thương mại điện tử đang đặt ra những vấn đề mới cần tháo gỡ đối với ngành quản lý thuế. Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử, cần tiến hành đồng bộ, nhất quán một loạt các biện pháp nhằm tác động toàn diện đến hệ thống quản lý thuế, sử dụng những công cụ mạnh của công nghệ hiện đại, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng con người.

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế. Cụ thể, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần giải thích cụ thể, rõ ràng hơn về cụm từ “cơ sở sản xuất, kinh doanh” theo hướng gắn với một không gian cố định như chi nhánh, văn phòng đại diện, kho hàng, công trình xây dựng… để tránh trường hợp công ty đa quốc gia hoạt động thương mại điện tử sử dụng không gian mạng như một phương thức tránh hình thành cơ sở thường trú để tránh thuế. Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng bao quát hết những sản phẩm, dịch vụ phát sinh, trong đó bao gồm cả một số sản phẩm vô hình và dịch vụ kỹ thuật số cung cấp trên mạng internet. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về thủ tục kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng và các sắc thuế tiêu dùng theo hướng có thể tính và thu thuế tự động, gắn với thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế cho phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh tế số.

Thứ hai, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời giữa ngành Thuế với Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước trong việc đổi các thông tin về quản lý thuế, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của tổ chức, cá nhân khi phát sinh thu nhập từ các giao dịch điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế phục vụ quản lý. Đặc biệt, cần có cơ chế với các công ty vận chuyển, giao hàng yêu cầu cung cấp thông tin về dòng tiền khi vận chuyển hàng và thu tiền hộ.

Thứ ba, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Công nghệ thông tin hiện đại có thể trở thành công cụ đắc lực để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, phát hiện, xác minh các giao dịch trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất, đăng ký ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp sát với hoạt động kinh doanh thực tế; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt. Nghiên cứu các công cụ rà soát, phát hiện, thống kê trên mạng internet để xác định hoạt động thương mại điện tử chưa kê khai thuế. Tham khảo kinh nghiệm ứng dụng công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo trong khai thác các thông tin từ người nộp thuế từ các nước phát triển. Về lâu dài, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.

Thứ tư, cần có chính sách khuyến khích thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đối với thanh toán qua hình thức COD phổ biến trong các giao dịch thương mại điện tử hiện nay, cần thực hiện kiểm soát chặt chẽ về dòng tiền phát sinh thông qua việc thu thập thông tin từ các đơn vị giao nhận chuyển phát nhanh để xác minh được thông tin về doanh thu phát sinh trong các giao dịch thương mại điện tử.

Thứ năm, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cho đội ngũ cán bộ công chức chuyên trách, nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực này. Cụ thể, cần tăng tiêu chuẩn tuyển dụng đầu vào, đặc biệt với chuyên môn về công nghệ thông tin và nghiệp vụ thuế; tăng cường tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo hướng đào tạo nghiệp vụ quản lý thuế chuyên sâu, cập nhật thường xuyên các xu hướng quản lý thuế đối với thương mại điện tử ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác, tính tuân thủ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền với những người nộp thuế là các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào các giao dịch số lượng lớn với giá trị giao dịch thấp.

Thứ bảy, tăng cường rà soát, thanh tra các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế là những doanh nghiệp có rủi ro lớn về thuế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Vũ Hà