Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện chính sách pháp luật, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đưa ra một số kiến nghị giải pháp sau:
Một là, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp; đồng thời, tạo sự liên thông giữa việc giải quyết khiếu nại, tố cáo với việc tiếp công dân, đối thoại, giải thích pháp luật cho công dân biết, trường hợp khiếu nại, tố cáo của công dân không đúng thì vận động, thuyết phục họ tự nguyện rút đơn và cam kết không tiếp tục khiếu nại, tố cáo nữa; trường hợp khiếu nại, tố cáo của công dân là đúng thì cần khẩn trương thông báo cho công dân biết và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương khắc phục các vi phạm, thiếu sót được công dân khiếu nại, tố cáo có cơ sở.
Hai là, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, thống nhất số liệu đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài và giao trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan đối với từng vụ việc, xác định thời hạn giải quyết và báo cáo lại cơ quan có thẩm quyền về kết quả và hướng giải quyết, đồng thời thông tin lại cho công dân biết để không tiếp tục khiếu nại, tố cáo nữa.
Ba là, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực được giao phụ trách; bổ sung thêm cơ chế để đại biểu Quốc hội lựa chọn địa điểm tiếp xúc cử tri kết hợp với việc khảo sát tại địa bàn cơ sở nhất là nơi có khiếu nại, tố cáo kéo dài để giám sát việc giải quyết các vụ việc cụ thể, kết quả xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến.
Bốn là, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tham gia thẩm tra chuẩn bị ý kiến thẩm tra, tham gia thẩm tra phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), đặc biệt là những nội dung liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định trong dự thảo Luật.
Chỉ ra một số nội dung cần trao đổi, làm rõ với các địa phương trong quá trình giám sát, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị cần trao đổi, làm rõ với địa phương một số vấn đề sau:
Về việc tiếp công dân, đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc xây dựng kế hoạch, bố trí thời gian, thành phần tiếp công dân và việc công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan cũng như thông báo tại trụ sở cơ quan; Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp công dân tại địa phương? Việc bố trí bộ phận tiếp công dân như hiện nay đã hợp lý chưa, có cần chuyển đổi mô hình này hay không? Kết quả công tác tiếp công dân như thế nào (Có bao nhiêu lượt tiếp công dân trên tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo? Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung nhiều về vấn đề gì? Số lượng cụ thể đoàn đông người so với số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người và số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài..). Bao nhiêu vụ việc đã được giải quyết dứt điểm sau khi tiếp công dân; bao nhiêu vụ việc còn tồn đọng, lý do của việc chưa giải quyết xong là gì?
Đồng thời, đề nghị giải trình lý do của việc chưa bảo đảm số buổi tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan tại địa phương theo quy định? Có khó khăn, vướng mắc gì khi thực hiện luật hay không và đề xuất hướng giải quyết?
Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị cung cấp số liệu kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng, đúng một phần, sai toàn bộ. Kết quả giải quyết sau khi có kết luận khiếu nại, tố cáo là đúng hoặc đúng một phần hoặc sai toàn bộ như thế nào? Từ đó, đánh giá việc chấp hành pháp luật của công dân cũng như của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo? Số vụ việc từ khiếu nại không được chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại? Số vụ việc công dân khiếu nại đã khởi kiện vụ án hành chính và kết quả giải quyết của Tòa án? Vấn đề bảo mật thông tin của người tố cáo? Công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo có khó khăn, vướng mắc gì không?
Ngoài ra, địa phương cũng cần cho biết rõ tiến độ giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến (số vụ việc đã tiếp nhận, kết quả giải quyết, có thông báo lại cho cơ quan chuyển đơn hay không...); Phương hướng giải quyết đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài mặc dù đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền./.