PGS.TS NGUYỄN QUỐC SỬU: CẦN DÙNG TRIẾT LÝ, CHỦ THUYẾT TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG LUẬT

20/04/2022

Nhằm phát triển công tác giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng cần dùng triết lý, chủ thuyết để phát triển xây dựng Luật, tránh trường hợp sửa Luật như “sửa nhà dột”, “dột đến đâu, sửa đến đấy”.

 

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Tham gia đóng góp ý kiến về báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chuyên đề giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện cơ bản đầy đủ các nội dung theo đề cương giám sát của Hội đồng Dân tộc. Báo cáo cũng được xây dựng nghiêm túc, công phu, từ đó dựng lên bức tranh toàn thể trong giai đoạn 2016-2021 với 234 văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Đồng thời tạo ra khung thể chế để vận hành, phát triển ngành giáo dục Việt Nam trong suốt 5 năm, đặc biệt là trong công tác giáo dục dân tộc.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu chỉ ra rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thông qua năm 2009, nhưng đến năm 2016, thậm chí đến năm 2018 mới có văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật, pháp lệnh, như vậy văn bản có chậm hay không? Nếu có thì tác động tới xã hội của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết như nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẳng thắn nhìn nhận hậu quả ra sao? Đặc biệt, sau khi Luật Giáo dục năm 2019 được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn ban hành chậm 06 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật. Khẳng định việc bản hành văn bản hướng dẫn chi tiết là để đưa luật vào thực tiễn, chuyên gia đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá tác động của dư luận nếu các văn bản do Bộ ban hành bị chậm so với quy định, đồng thời cần tìm ra các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cũng bày tỏ băn khoăn, nếu theo quy định của Luật có khung trần và sàn, trong khi chưa có các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật, nếu các trường học chủ động làm theo khung quy định thì có xảy ra hậu quả không? Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu nêu rõ, các nội dung trong phần nhận xét, đánh giá về sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên không phù hợp. Do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi nội dung để tiêu đề và nội dung phù hợp với nhau. Cùng với đó hoàn thiện báo cáo trên tinh thần bổ sung hạn chế, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan để làm cơ sở có phương án giải quyết phù hợp hoặc hạn chế tối đa những vướng mắc trong giai đoạn mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, nhu cầu lập pháp là của cơ quan hành pháp bởi cơ quan hành pháp thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể, cùng với đó đề xuất những chính sách cho công tác giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và chính sách cho ngành giáo dục Việt Nam nói chung để phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhận định của chuyên gia, những chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay đều là những chính sách ở tầm hiệu lực rất thấp, do đó mong muốn những chính sách liên quan đến công tác dân tộc phải tầm cỡ với Luật để vùng dân tộc thiểu số, miền núi được phát triển bền vững.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cũng cho biết, hiện nay, vực xây dựng cũng như triển khai các chính sách liên quan đến công tác dân tộc vẫn còn bị động theo các báo cáo, vẫn dựa vào các tiêu chí để rà soát thì vẫn là góc nhìn một chiều. Vì vậy, để phát triển công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thời gian tới, chuyên gia Nguyễn Quốc Sửu cho rằng cần dùng triết lý và chủ thuyết để phát triển xây dựng luật, tránh trường hợp sửa Luật như “sửa nhà dột”, “nhà dột đến đâu đi sửa đến đấy”./.

Minh Thành