ĐBQH LÂM VĂN ĐOAN: GẮN KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỚI CÔNG TÁC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

22/03/2022

Đưa ra ý kiến về báo cáo của các Bộ, ngành đối với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2017”, đại biểu Lâm Văn Đoan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ ra rằng, cần gắn kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật.

 

Đại biểu Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Theo đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm, cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của Đảng, tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2018) ...; các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài đã được quan tâm, tăng cường chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các quy định của Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Luật (Nghị định 31/2019/NĐ-CP, Nghị định 124/2020/NĐ-CP...); một số cơ quan, đơn vị chưa ban hành hoặc chưa rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế tiếp công dân, hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, đơn vị theo tinh thần các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, do vậy, việc tuân thủ pháp luật và hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có hạn chế.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn bản pháp luật và quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tiễn, nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục, người có công với cách mạng... Còn có nguyên nhân chủ quan từ sự chưa chủ động, tích cực, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế để kịp thời trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật có liên quan để hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường (các bất cập trong lĩnh vực khiếu nại thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mô hình chợ, các dự án giao thông, quy hoạch, xây dựng khu đô thị; cán bộ vi phạm trong thực hiện chính sách đất đai, nhà cửa, chế độ cho người lao động, người có công... đã được chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục).

Đồng thời, một số quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có một số bất cập cần được rà soát sửa đổi, bổ sung thì qua thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tiếp công dân của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu còn chưa nghiêm, bên cạnh việc bận công tác, còn có cả nguyên nhân từ việc chưa chấp hành nghiêm theo quy định pháp luật, còn tình trạng né tránh, ngại va chạm, chưa quan tâm đến công tác tiếp công dân. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức trong việc đôn đốc chấp hành quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân tại cơ quan, đơn vị còn có hạn chế.

Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ rõ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng chính sách, pháp luật; đơn thư gửi trùng lặp, gửi nhiều nơi, đã có văn bản thông báo chấm dứt nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài. Việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân có hạn chế. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu và cơ quan, tổ chức có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo còn chậm, thiếu cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị, do vậy, chưa khắc phục hiệu quả tình trạng đơn thư trùng lặp, gửi nhiều nơi, hết thẩm quyền, thời hiệu...

Trên cơ sở chỉ ra một số tồn tại hạn chế, đại biểu đề nghị cần gắn kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế từ sự bất cập của chính sách, pháp luật dẫn tới khiếu nại, tố cáo của người dân. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với lĩnh vực được giao phụ trách để nâng cao hiệu quả thực hiện và xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đôn đốc việc ban hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế tiếp công dân, Quy chế/Quy định hướng dẫn về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan./.

Hồ Hương