PGS.TS LÊ MINH THÔNG: XEM XÉT BÁO CÁO LÀ TIỀN ĐỀ ĐỂ TRIỂN KHAI CÁC PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT KHÁC

21/03/2022

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, phương thức xem xét báo cáo là tiền đề để triển khai các phương thức giám sát khác như chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả xem xét các báo cáo trình Quốc hội tác động lớn đến các phương thức giám sát khác.

 

PGS.TS Lê Minh Thông, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

PGS.TS Lê Minh Thông cho biết, xem xét báo cáo trình Quốc hội là một trong những phương thức giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước ở tầm cao nhất. Về thực chất có thể xem hoạt động xem xét các báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng chịu sự giám sát tối của của Quốc hội cũng là một phương thức kiểm soát quyền lực từ phía Quốc hội đối với các cơ quan nhà nước, các thiết chế quyền lực do Quốc hội thành lập. Do vậy, hoạt động xem xét các báo cáo trình Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Phương thức giám sát này được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 2 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Khoản 2 Điều 6 Luật tổ chức Quốc hội quy định, Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Điều 11 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định; hoạt động giám sát tối cao thông qua xét báo cáo của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác do Quốc hội thành lập và các báo cáo quy định tại điều 13; của luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; Xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc  hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH;…

Theo PGS. TS Lê Minh Thông, việc Quốc hội xem xét các báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát tối cao được pháp luật quy định chặt chẽ, đảm bảo bao quát toàn diện các lĩnh vực hoạt động quan trọng của bộ máy nhà nước ở tầm cao nhất. Để đánh giá thực trạng việc xem xét các báo cáo trình Quốc hội cần quan tâm đến 4 yếu tố cơ bản: nội dung báo cáo; báo cáo thẩm tra của các cơ quan thuộc Quốc hội; thảo luận của các ĐBQH; nghị quyết của Quốc hội về báo cáo.

Trong những nhiệm kỳ vừa qua có thể thấy rằng các cơ quan thuộc đối tượng trình báo cáo đã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định pháp luật. Các báo cáo trình Quốc hội điều được xây dựng công phu, nghiêm túc, bao quát hầu hết các hoạt động của cơ quan báo cáo trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Hầu hết các báo cáo đều được xây dựng theo một cấu trúc khá thống nhất với những nội dung như bối cảnh thực hiện nhiệm vụ, chức năng; các kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém; phương hướng công tác; các kiến nghị với Quốc hội.

Cấu trúc báo cáo như vậy tuy bao quát được khá đầy đủ các mặt công tác của cơ quan báo cáo, nhưng ít tạo được sự khác biệt đáng kể trong các báo cáo các năm, đặc biệt là trong các nhận định, đánh giá, ngoại trừ các số liệu thống kê được dẫn chiếu, minh họa. Vấn đề đặt ra là các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về nội dung bắt buộc mà báo cáo phải đề cập, phân tích, đánh giá. Vì vậy, không ít báo cáo vẫn chủ yếu thiên về báo cáo thành tích mà ít chú trọng phân tích đánh giá về các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của các hạn chế yếu kém và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Để nâng cao chất lượng báo cáo, tạo sự khác biệt cần thiết cho báo cáo hàng năm, cần bổ sung quy định về những nội dung cần đi sâu thể hiện, phân tích đặc biệt là những vấn đề mới, những vấn đề nổi bật, những hạn chế, yếu kém chậm khắc phục, tự đánh giá trách nhiệm của tổ chức và cá nhân.

Thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với Báo cáo trình Quốc hội có ý nghĩa quan trọng đối với việc xem xét, thảo luận của các ĐBQH về nội dung nêu trong báo cáo. Để nâng cao tính phản biện của báo cáo thẩm tra quan trọng nhất là phải cung cấp đầy đủ, toàn diện thông tin cho cơ quan thẩm tra từ nhiều nguồn khác nhau. Mặt khác chính cơ quan thẩm tra phải chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin, xây dựng cho mình nguồn thông tin làm căn cứ đối chứng, so sánh để có được cách nhìn toàn diện và khách quan khi thẩm tra báo cáo. Đồng thời, tích cực thu hút các chuyên gia, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, uy tín tham gia vào các hoạt động thẩm tra, để cung cấp các đánh giá chuyên sâu về những nội dung cần thiết.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Minh Thông, việc thảo luận của các ĐBQH đối với các báo cáo là khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để nâng cao năng lực của các ĐBQH cần đổi mới mạnh mẽ công tác cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc họi, đặc biệt cho các ĐBQH hoạt động không chuyên trách tại các địa phương. Đảm bảo việc gửi tài liệu cho đại biểu đúng thời hạn quy định. Cùng với cải thiện việc cung cấp thông tin cần có cơ chế, chính sách phù hợp để các ĐBQH tiếp cận các chuyên gia, nhà chuyên môn trợ giúp đánh giá xem xét các nội dung cần thiết trong báo cáo để chuẩn bị các phát biểu thảo luận tại phiên họp.

PGS.TS Lê Minh Thông nhấn mạnh, phương thức xem xét báo cáo là tiền đề để triển khai các phương thức giám sát khác như chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả xem xét các báo cáo trình Quốc hội tác động lớn đến các phương thức giám sát khác. Do vậy, Luật hoạt động giám sát quy định Quốc hội xem xét quyết định ban hành nghị quyết về báo cáo với các yêu cầu cụ thể về nội dung. Việc Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về các báo cáo trình Quốc hội cho phép đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc hơn hoạt động của các cơ quan trình báo cáo, làm rõ trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát; qua đó kiểm soát tốt hơn việc thực hiện quyền lực của các cơ quan này.

Tuy nhiên, trên thực tế kết quả xem xét các báo cáo trình Quốc hội về cơ bản mới được nêu trong các nghị quyết chung về tình hình kinh tế - xã hội, hoặc nghị quyết kỳ họp, ít trường hợp có nghị quyết riêng về từng báo cáo. Điều này xuất phát từ thực tế là tại các kỳ họp cuối năm, cuối nhiệm kỳ có quá nhiều báo cáo thuộc diện giám sát tối cao, trong đó có không ít báo cáo không được thảo luận tại phiên họp toàn thể, hoặc tại tổ đại biểu mà chỉ để đại biểu tự nghiên cứu. Do vậy, việc ban hành một nghị quyết riêng cho tất cả báo cáo có thể không thật cần thiết và bất khả thi. Mặc dù vậy, cũng cần cân nhắc phân loại cụ thể các loại báo cáo để quy định hợp lý hơn trong luật về các báo cáo bắt buộc phải xem xét thảo luận tại phiên họp toàn thể; loại báo cáo thảo luận tại tổ đại biểu. Các báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu có thể xây dựng dưới dạng tích hợp, lồng ghép nhiều báo cáo của cùng một cơ quan trình, để có thể giảm số lượng báo cáo. “Nên nghiên cứu khả năng Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về kết quả xem xét các báo cáo trình Quốc hội được thảo luận tại các phiên họp toàn thể của kỳ họp”, PGS.TS Lê Minh Thông đề xuất./.

Vũ Hà