Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa tổ chức Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông”. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục, các đại biểu Quốc hội là cần nhìn nhận lại thực trạng thừa, thiếu giáo viên ở các địa phương hiện nay để có những giải pháp căn cơ, đồng bộ khắc phục bất cập này.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật...
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.
Toàn cảnh Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức.
Đóng góp ý kiến vào vấn đề trên cũng như việc nâng cao chất lượng giáo dục, theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, các địa phương phải thực hiện tốt việc sắp xếp lại giáo viên cho phù hợp như thực hiện luân chuyển, bổ sung giáo viên từ nơi thừa sang nơi đang thiếu; thông qua tuyển dụng để bổ sung trên nhu cầu thực tế của các trường học... Ngoài ra, cần bảo đảm việc thực hiện chế độ, chính sách cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương: đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, chính sách lương, phụ cấp, đề bạt, bổ nhiệm giáo viên, nhân lực giỏi trong ngành Giáo dục ở từng vùng miền, khu vực nhằm tạo nên môi trường sư phạm lành mạnh, an toàn, thân thiện và minh bạch; là môi trường của trí thức, trí tuệ và được trân trọng. Từ đó, mới có được nguồn tuyển sinh chất lượng vào các trường sư phạm cũng như tuyển dụng được những người giỏi nhất vào giảng dạy ở các cấp học.
Phóng viên: Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở cấp Tiểu học, THCS, THPT; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và ở một số địa phương.
Tại Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngữ giáo viên phổ thông, mầm non” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức mới đây, đại biểu đánh giá và có ý kiến như thế nào với phần giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về vấn đề trên?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Có thể khẳng định, Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngữ giáo viên phổ thông, mầm non” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa tổ chức đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành liên quan đã nhìn nhận, đánh giá những vấn đề một cách thẳng thắn về tình trạng thiếu giáo viên và thừa cục bộ cũng như thiếu giáo viên tổng thể hiện nay. Phiên giải trình cũng đã đối chiếu với các quy định của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội để tìm ra giải pháp phù hợp nhất khi chúng ta đang thực hiện tinh giản số lượng người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Phần trả lời của lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan rất rõ ràng, nhìn thẳng vào vấn đề, tâm huyết và trách nhiệm. Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi cùng chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục cũng như quan điểm của Bộ Nội vụ trong việc giải quyết vấn đề như bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Theo đó, Bộ Nội vụ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu trên cơ sở của những quy định đã có cũng như những đề xuất, kiến nghị giải quyết tình trạng thừa giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên ở các cấp học.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.
Phóng viên: Với số lượng giáo viên thừa thiếu như trên và như giải trình của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đại biểu, ngành Giáo dục và các địa phương cần có những giải pháp trọng tâm nào để không xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu hay thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học nhưng vẫn thực hiện được các yêu cầu về tinh giản biên chế?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa -Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Trước hết, các địa phương phải thực hiện tốt việc sắp xếp lại giáo viên cho phù hợp. Vì trong điều kiện hiện nay, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Ví dụ như việc tăng dân số cơ học ở các khu công nghiệp, đô thị cũng như tốc độ tăng dân số nói chung đã kéo theo nhu cầu về giáo viên ở những nơi này tăng lên nhanh chóng. Mặt khác, khi ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới một số môn học như: Ngoại ngữ, tin học trước đây là môn tự chọn nay đưa vào chương trình bắt buộc từ lớp 3; bổ sung mới môn nghệ thuật cấp THPT; chương trình tiểu học yêu cầu học 2 buổi/ngày...
Để thực hiện việc sắp xếp lại giáo viên, các trường học, địa phương phải có hình thức luân chuyển giáo viên thừa ở một số nơi sang giảng dạy ở những nơi thiếu hay thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các môn học để có thể thực hiện được yêu cầu của ngành Giáo dục đặt ra. Bên cạnh đó, trên cơ sở những giáo viên thuộc diện biên chế đã thông qua thi tuyển, ngành Giáo dục các địa phương có thể bổ sung cho những nơi thiếu dựa trên nhu cầu thực tế của các trường học. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Trong khi các ngành nghề đang thực hiện tinh giản số lượng người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, Bộ Nội vụ đã đề xuất với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền chỉ bổ sung thêm khoảng 27.000 biên chế cho ngành Giáo dục trong năm học 2022-2023. Đề xuất này là rất chính đáng nhằm đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy ở các cấp học, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động nhiều đến việc thiếu hụt giáo viên cũng như đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập và sự phát triển nguồn nhân lực bền vững của đất nước.
Phóng viên: Theo đại biểu, để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông cần được thực hiện như thế nào sao cho hiệu quả, đảm bảo tuyển dụng, thu hút được nguồn giáo viên giỏi vào giảng dạy ở các cấp học?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Vẫn biết là mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng việc đáp ứng nhu cầu giáo viên so với thực tiễn là vấn đề hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, mặc dù điểm thi tuyển “đầu vào” của một số trường đại học sư phạm đã tăng lên nhưng nhiều sinh viên tốt nghiệp lại ngại không muốn giảng dạy ở những vùng, miền khó khăn. Có tỉnh thừa hàng trăm chỉ tiêu biên chế giáo viên cho những môn học mới như môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật nhưng lại không có nguồn thí sinh đăng ký để tuyển chọn.
Vấn đề về biên chế giáo viên cũng như việc thu hút giáo viên giỏi vào giảng dạy ở các cấp học là một bài toán tổng thể cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc thu hút học sinh giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm cũng như động viên được giáo viên giỏi công tác ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... Theo đó, cần hoàn thiện chính sách tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng,… đối với nhà giáo; có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên công tác ở những địa bàn khó khăn hay có những định hướng việc làm tốt hơn cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm.
Hiện nay, chúng ta đang tính đến việc phân bổ giáo viên theo hình thức đặt hàng các trường đại học sư phạm. Tuy nhiên, việc làm này khó cân đối giáo viên ở từng địa phương. Tôi cho rằng, cần có kế hoạch thi tuyển đối với thí sinh đăng ký vào các trường đại học sư phạm chặt chẽ hơn để trên cơ sở đó tính toán việc làm cho các em một cách hợp lý trên nhu cầu, sự thiếu hụt tổng thể của quốc gia.
Ngoài ra, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, cần tham khảo mô hình tuyển sinh vào các trường đại học công an, quân đội để chọn lựa được những thí sinh giỏi đầu quân vào các trường đại học sư phạm cũng như tuyển chọn được những giáo viên giỏi vào giảng dạy ở các cấp học nhằm đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để xây dựng các chính sách mới đều phải thận trọng, tránh vội vàng, cần phải tổng kết, đánh giá tác động của chính sách, và cần đồng bộ với các quy định của pháp luật.
Chúng ta không thể để còn tình trạng điểm thí sinh thi vào các trường đại học sư phạm còn thấp, những học sinh giỏi nhất không muốn đăng ký thi vào các trường sư phạm hay những sinh viên giỏi nhất không muốn ở lại trường làm giảng viên. Những bất cập này không thể phù hợp trong xu thế phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đất nước. Vì thế, tôi cho rằng, cần có những chính sách đãi ngộ từ lương, thưởng, đề bạt, bổ nhiệm giáo viên, nhân lực giỏi trong ngành Giáo dục ở từng vùng miền, khu vực nhằm tạo nên môi trường sư phạm sang trọng, minh bạch; là môi trường của trí thức, trí tuệ và được trân trọng. Từ đó, chúng ta mới có được nguồn tuyển sinh chất lượng vào các trường sư phạm cũng như tuyển dụng được những người giỏi nhất vào giảng dạy ở các cấp học.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!