TS.BÙI SỸ LỢI: CẦN CÓ PHỤ CẤP ĐẶC THÙ CHO NGÀNH Y TẾ NHƯ ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

28/02/2022

Chia sẻ về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế, T.S Bùi Sỹ Lợi, ĐBQH khoá XI, XII, XIII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XIV, cho rằng y tế là ngành chăm lo sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ tính mạng con người, có tầm quan trọng như lực lượng vũ trang, đặc biệt là khi có dịch bệnh xảy ra... nên cần có phụ cấp đặc thù cho ngành y tế như đối với lực lượng vũ trang.

 

Dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước đã tác động sâu rộng tới sức khỏe và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu và Việt Nam là một trong nhiều nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế.... Hơn hai năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước, đội ngũ y bác sĩ là những người đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, chịu ảnh hưởng đến mọi mặt về thể chất, tinh thần. Vì vậy, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế trong thời gian chống dịch, cũng như những cơ chế tài chính cho ngành y tế là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.

Chia sẻ về chính sách đãi ngộ, cơ chế tài chính đối với ngành y tế trong thời gian dịch bệnh, TS.Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, trong gần ba năm chống dịch vừa qua, Nhà nước và toàn dân ta đều quan tâm, chăm lo đến chính sách cho những người tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn có nhiều bất cập cần phải thảo luận, đã có nhiều ý kiến được đề đạt nhiều lần về vấn đề tiền lương, chế độ chính sách đãi ngộ cho ngành y tế.

TS.Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Theo TS.Bùi Sỹ Lợi, trước kia, nghề thầy thuốc có thu nhập cao hơn so với các ngành nghề khác, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh chính sách tiền lương, đến nay, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức ngành y được hòa đồng chung trong hệ thống thang bậc lương của cả hệ thống chính trị. Trong khi đó, chúng ta đang đổi mới cơ chế quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung chủ yếu vào ngành y tế và giáo dục, từng bước chuyển sang tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Chính vì thế, thu nhập của cán bộ, nhân viên ngành y tế có xu hướng giảm sút, gây ảnh hưởng đến đời sống bản thân và gia đình những người làm ngành y, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, nhiệm vụ, công việc của ngành y tế tăng lên rất lớn. Khảo sát của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cho thấy có hơn 60% nhân viên y tế phải tăng thời gian làm việc, xử lý khối lượng công việc hết sức nặng nề. Đáng chú ý hơn, 1/3 số lượng nhân viên y tế khi được hỏi cho biết lương, thưởng, phụ cấp bị giảm. Bên cạnh đó, 62% cán bộ y tế được khảo sát cho biết, tính đến tháng 12/2021, họ chưa nhận được bất kỳ khoản phụ cấp nào, hơn 80% cán bộ y tế cho biết họ không thể chi trả, hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. Đặc biệt, có đến 60% đối tượng được khảo sát trả lời rằng đang có ý tưởng thay đổi công việc hiện tại hoặc chuyển sang làm lĩnh vực khác. Đây là những thông tin rất đáng quan tâm, đáng xem xét về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta chưa lường hết được những trường hợp bất ngờ, chưa có tiền lệ như hiện nay để đưa ra những chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi nêu rõ cần tập trung tháo gỡ về mặt thể chế để nâng mức lương, thu nhập của cán bộ y tế, đồng thời cần phải điều chỉnh thang, bảng lương các cấp và trợ cấp đặc biệt cho ngành y khi có biến cố xảy ra.

Nhấn mạnh ngành y có thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành khác, TS.Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần thiết phải tính toán, thiết kế lại bảng lương cho phù hợp với quá trình đào tạo, quá trình cống hiến. Bên cạnh đó, y tế là ngành chăm lo sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ tính mạng con người, có tầm quan trọng như lực lượng vũ trang, đặc biệt là khi có dịch bệnh xảy ra, các bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế phải thực hiện mọi biện pháp chống dịch với tinh thần cao nhất, bất chấp nguy hiểm, không quản ngại, chùn bước, sẵn sàng đến bất kỳ điểm nóng nào để giành lại sự sống và tính mạng con người, bảo vệ đời sống nhân dân. Chính vì vậy, theo TS.Bùi Sỹ Lợi cần có phụ cấp đặc thù cho ngành y tế như đối với lực lượng vũ trang. Trước mắt, khi chưa sửa đổi được hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương, cần tăng phụ cấp, hỗ trợ cho cán bộ y tế và lực lượng tham gia phòng chống dịch. "Đây là việc có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết" - TS.Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Để nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe của người dân, đảm bảo hệ thống đó thực sự bền bỉ, có căn cơ lâu dài, vấn đề cải cách, đổi mới cơ chế tài chính y tế, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân là việc cần được tính tới. Theo TS.Bùi Sỹ Lợi, chúng ta cần sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, thiết kế lại cho phù hợp để thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế đảm bảo được giá trị sức lao động, tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công tác y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân./.

Minh Hùng