ĐBQH TRẦN ĐÌNH VĂN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CẦN PHỐI HỢP LINH HOẠT

07/01/2022

Sáng ngày 07/01, tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn nhấn mạnh, cần có sự điều hành, phối hợp tốt hơn nữa giữa giải pháp “tài khóa” với giải pháp “tiền tệ”.

 

Đại biểu Trần Đình Văn tham gia phát biểu trực tuyến từ điểm cầu Lâm Đồng về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn khẳng định, các giải pháp tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa vào dự thảo Nghị quyết khá tổng thể, toàn diện, đầy đủ từ quan điểm, mục tiêu, các giải pháp, phương án huy động nguồn lực, thí điểm cơ chế đặc thù, tổ chức thực hiện và giám sát. Đồng thời, do tính chất cấp bách của tình hình thực tiễn, đòi hỏi nội dung các cơ chế đặc thù trong dự thảo Nghị quyết cần được quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm thi hành được ngay, không phải “chờ” văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đại biểu Trần Đình Văn, về các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Điều 3 của dự thảo Nghị quyết): về Điều 3 của dự thảo đề nghị Chính phủ cần: (1) xác định nhu cầu kinh tế từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách cho phù hợp hơn; (2) cần lượng hóa, đánh giá tác động thêm về lạm phát và (3) cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa giải pháp “tài khóa” với giải pháp “tiền tệ”.

Đối với giải pháp tài khóa quy định tại khoản 1, Điều 3, đại biểu Trần Đình Văn cho rằng, còn có nhiều điểm chưa hợp lý khi quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng (điểm a, khoản 1 của Điều 3). Do đó, cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Bởi vì, làm được điều này, chúng ta vừa kích thích thị trường, vừa hỗ trợ cho cả cung - cầu, mang lại giá trị cho xã hội rất tốt. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với giải pháp khác.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định. Ở giai đoạn hiện tại, tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chi cho phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và do đó là khoản chi tất yếu. Tuy nhiên, chi cho phòng, chống dịch cần tính thêm khoản chi cho mua vắc-xin (tới đây không còn được viện trợ) và mua thuốc chữa trị COVID-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm riêng, không nên nằm trong quy định về chi đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa tiêm vắc-xin và điều trị COVID-19 để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, phải chủ trương xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu, từ đó, cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân.

Thứ hai, đây là thời điểm vàng cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải. Tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân ít, nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng. Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó, có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ cho xã hội, cuối cùng, sẽ đạt được đáp ứng mục tiêu kích cầu.

Cho ý kiến về áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù (Điều 5 Nghị quyết), đại biểu Trần Đình Văn nhận định, theo Điều 5 thì chính sách này chỉ áp dụng đối với các “dự án hạ tầm chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn”. Tuy nhiên, trong phần phụ lục VII (Danh mục dự án dự kiến đầu tư thuộc Chương trình) liệt kê rất nhiều dự án, có nhiều dự án có quy mô đầu tư rất nhỏ. Với nhiều dự án nhỏ như vậy rõ ràng không phù hợp với mục tiêu đề ra. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể, đề nghị cần đưa ra các tiêu chí xác định thế nào là các dự án có tầm chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn và liệt kê rõ các dự án “tầm chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn” thuộc phạm vi có thể áp dụng cơ chế đặc thù (như các dự án có tác dụng lan toả, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và triển khai nhanh…).

Về cho phép áp dụng chỉ định thầu (khoản 1 Điều 5):

Đấu thầu rộng rãi về lý thuyết là hình thức tốt được áp dụng nhằm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực; tính minh bạch cao và khả năng hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy việc đấu thầu chưa chắc đã chọn được nhà đầu tư tốt, đấu thầu không phải là chìa khóa vạn năng. Hiện tượng quân xanh - quân đỏ, sự bất công giữa bên trúng thầu và người thực hiện thầu là những vấn đề tiêu cực từ “đấu thầu” đã được minh chứng trong thời gian qua.

Việc chỉ định thầu trong một số trường hợp là cần thiết nếu thực sự cần có tư duy mạnh dạn đổi mới, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách. Tuy nhiên, mặt trái của chỉ định thầu là: (1) Tiêu cực (cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm); (2) Dễ phát sinh tình trạng thông thầu; (3) Khó thực hiện (đặc biệt là đối với dự án giao thông từ nhiều nguồn, không rõ chỉ định thầu như thế nào) và (4) Không công bằng, không bình đẳng trong việc thực hiện dự án đầu tư.

Việc “đấu thầu” hay “chỉ định thầu” đều có ưu điểm và hạn chế, việc lựa chọn hình thức nào phải cân nhắc thật kỹ.

Đại biểu Trần Đình Văn bày tỏ quan điểm đồng ý với phương án “chỉ định thầu” trong dự thảo, nhưng không coi là hình thức thay thế “đấu thầu” một cách hoàn toàn. Cụ thể:

(1) Chỉ nên áp dụng đối với một số dự án và phải đưa ra tiêu chí, điều kiện rất cụ thể, phạm vi loại dự án được áp dụng, giới hạn thời gian áp dụng nhằm hạn chế việc chỉ định thầu tràn lan (việc chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư có thể khả thi, tuy nhiên, chỉ định thầu xây lắp là không cần thiết).

(2) Cho phép chủ đầu tư được quyền chọn: (i) theo hình thức chỉ định hay (ii) hình thức khác. Việc cho quyền chọn sẽ thúc đẩy hiệu quả và thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực sự.

(3) Đối với yêu cầu tiết kiệm 5%, việc xác định 5% là thiếu cơ sở và không cần thiết. Một mặt, Tờ trình chưa thể hiện được các căn cứ để xác định mức 5%, trong khi đó, việc đưa ra một con số cụ thể như vậy dễ dẫn đến tình trạng: bên tư vấn và nhà đầu tư có thể thiết kế khung chương trình lên cao để đảm bảo tiết kiệm, đội giá để vừa thỏa mãn điều kiện vừa đảm bảo thu lợi. Do vậy, đề nghị bỏ quy định cụ thể 5%, trong trường hợp vẫn muốn giữ, đề nghị làm rõ cơ sở để tính toán; cần đưa ra bộ tiêu chí, so sánh để đối chiếu và phát huy vai trò của các tập đoàn tư nhân trong vấn đề này.

(4) Việc thưởng tiến độ là cần thiết nhằm động viên, thúc đẩy nhà đầu tư hoàn thành sớm dự án, đóng góp cho hiệu quả xã hội. Tuy nhiên:

Việc thưởng phải lấy chất lượng của công trình làm trọng. Việc thưởng là cần thiết nhưng không nên thưởng ngay, cần phải quy định thời hạn trao thưởng sau khi công trình có thời gian đi vào vận hành.

Về xem xét thưởng tiến độ cho các nhà thầu hoàn thành sớm tiến độ dự án từ 3 tháng trở lên, đây là con số thiếu chính xác. Bởi lẽ, thời gian để được chỉ định thầu là sớm hơn 6 tháng theo đề xuất trong Đề án, như vậy, để được xem xét thưởng tiến độ, nhà thầu phải hoàn thành sớm tiến độ là 9 tháng (6 tháng đủ điều kiện + 3 tháng như đề xuất của Chính phủ)./.

Kim Liên - Việt Bảo